Mô hình quản lý chất lượng tiên tiến trong Sản Xuất Công nghiệp

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG MÔ HÌNH HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TIÊN TIẾN TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP Ở HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Lương Đức Trụ, Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Tổ chức Năng suất xanh Việt Nam (VPC).

Thời gian thực hiện: Từ năm 1997 đến năm 1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Nghiên cứu áp dụng mô hình Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới phù hợp với các điều kiện trong các loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở áp dụng thử rút kinh nghiệm để phổ biến và mở rộng áp dụng, giúp các doanh nghiệp đổi mới quản lý chất lượng, hướng tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

- Nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường - Chất lượng trong chỉ đạo áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào các doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

I. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Khảo sát, đánh giá tình hình quản lý chất lượng tại một số doanh nghiệp của tỉnh.

- Đến năm 1997 trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có doanh nghiệp (DN) nào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

- Việc đầu tư cho hệ thống Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

- Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ít về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, ít được đào tạo về quản lý đo lường chất lượng.

- Nhận thức của các doanh nghiệp về hệ thống quản lý chất lượng và lợi ích chất lượng mang lại còn hạn chế.

2. Lựa chọn và áp dụng thử mô hình quản lý chất lượng tiên tiến.

Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, đặc điểm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các yêu cầu của mô hình quản lý chất lượng của thế giới như ISO 9000, TQM, GMP, HACCP, Q.base v.v..., Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng lựa chọn hệ thống quản lý chất lượng Q.Base để áp dụng thử trong một số doanh nghiệp ở Hải Dương. Việc lựa chọn được dựa trên các căn cứ sau:

- Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) Q.Base do tổ chức chứng nhận chất lượng do NewZealand xây dựng phù hợp với cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Q.Base sử dụng các nguyên tắc cơ bản trong QLCL, đơn giản, dễ áp dụng.

- Toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quen với cách quản chất lượng theo hệ thống mà chỉ quen với cách quản lý chất lượng vào sản phẩm cụ thể. Việc áp dụng HTQLCL Q.Base là bước tập dượt quan trọng trước khi áp dụng HTQLCL ISO 9000.

- Xây dựng quy trình thực hiện quản lý chất lượng Q.Base được chia làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Phân tích tình hình và lập kế hoạch.

+ Giai đoạn 2: Xây dựng và triển khai áp dụng.

+ Giai đoạn 3: Hoàn chỉnh hệ thống chất lượng.

3. Lựa chọn doanh nghiệp áp dụng thử.

Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá, Ban chủ nhiệm đề tài đã chọn Công ty giầy Hải Dương áp dụng thử HTQLCL Q.Base làm mô hình trình diễn để rút kinh nghiệm, nhân rộng... Thời gian thực hiện từ tháng 7/1997 đến tháng 7/1998.

Kết quả áp dụng thử như sau:

- Biên soạn và đưa vào vận hành HTQLCL tại Công ty gồm 48 loại hồ sơ, qui trình kỹ thuật, định mức, giáo trình, hướng dẫn công việc và biểu mẫu. Các phòng, ban, phân xưởng cũng đã biên soạn, hệ thống hoá và đưa vào sử dụng 150 loại tài liệu.

- Thay đổi nhận thức về quản lý chất lượng trong Công ty, chuyển từ kiểm soát chất lượng từng sản phẩm sang quản lý chất lượng theo hệ thống.

- Xây dựng được hệ thống văn bản tài liệu theo đúng các yêu cầu của HTQLCL Q.Base.

- Đổi mới mối quan hệ giữa các bộ phận trong Công ty, nhất là khâu mua vật tư sản xuất và kiểm tra giám sát theo các quy trình thủ tục.

- Bước đầu giảm được các công việc không phù hợp tiêu chuẩn, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình sản xuất.

- Hồ sơ tài liệu đã được cập nhật số liệu, xây dựng kế hoạch sát với yêu cầu sản xuất.

Sau khi sơ kết áp dụng thử HTQLCL Q.Base được thực hiện tại Công ty may II và Công ty xi măng Hải Dương. Kết quả như sau:

3.1. Tại Công ty may II.

Xây dựng và đưa vào vận hành HTQLCL gồm: Sổ tay chất lượng, bao gồm 6 loại quy trình cho việc quản lý chất lượng, 31 loại tài liệu giúp cho việc báo cáo, cập nhật thông tin và hướng dẫn công việc. HTQLCL Q.Base được áp dụng tại Công ty từ 1/5/1999. Kết quả đạt được như sau:

- Công tác quản lý chất lượng đi vào nền nếp, tránh được sai sót, thuận tiện trong quản lý, xem xét, xử lý và quy trách nhiệm chính xác, công bằng.

- Sau khi áp dụng HTQLCL Q.Base ở 9 tổ may, tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu tăng dần. Tháng đầu mới áp dụng năng suất lao động giảm, từ tháng thứ 2 trở đi năng suất lao động tăng đáng kể.

- Nhận thức về HTQLCL của Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban, phân xưởng và công nhân trực tiếp sản xuất đã có chuyển biến tích cực. Chất lượng sản phẩm được cải thiện, số sản phẩm mắc lỗi giảm, sản phẩm sai hỏng ít. Các bộ phận, phân xưởng xây dựng thêm nhiều loại biểu mẫu, sổ sách ghi chép và một số quy trình bảo dưỡng máy móc, thiết bị bổ sung vào hệ thống tài liệu của Công ty. Những sự cố sai hỏng được ghi chép đầy đủ và rút kinh nghiệm phòng ngừa, khắc phục kịp thời.

3.2. Tại Công ty xi măng Hải Dương.

Xây dựng và đưa vào vận hành HTQLCL gồm sổ tay chất lượng, 141 quy trình cho công nhân sản xuất và vận hành thiết bị, 115 biểu mẫu cho việc báo cáo và cập nhật số liệu. HTQLCL được đưa vào áp dụng từ ngày 10/5/1999. Kết quả đạt được như sau:

- Tổ chức sắp xếp và kiện toàn hoạt động của Công ty theo yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng Q.Base.

- Xây dựng được hệ thống tài liệu, quy trình hướng dẫn công việc sát với thực tế. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa các bộ phận, nhất là trong khâu mua hàng (làm tốt khâu đánh giá nhà cung cấp), tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Đã tạo được phong trào thi đua lao động, cải tiến chất lượng, năng suất lao động tăng, giá thành sản phẩm hạ từ 540.000 đồng/tấn xuống còn 480.000 đồng/tấn.

4. Hoàn thiện quy trình thực hiện hệ thống chất lượng Q.Base và những kinh nghiệm áp dụng tại cơ sở.

Các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng Q.Base có nhiều tiêu chí tương đương với HTQLCL ISO-9000 với mức đòi hỏi thấp hơn. Sau khi áp dụng thử ở 3 doanh nghiệp, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn chỉnh HTQLCL Q.Base và phổ biến rộng để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn áp dụng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau khi tổng kết đề tài, một số doanh nghiệp đã áp dụng. Từ năm 2002 UBND tỉnh phê duyệt đề án áp dụng HTQLCL tiên tiến trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần lớn doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO-9000.

Áp dụng hệ thống QLCL Q.Base là bước tập dượt để các doanh nghiệp chuyển biến nhận thức về quản lý chất lượng theo hệ thống.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây