Áp dụng TBKT để sản xuất các sản phẩm Cói

ĐỀ TÀI ÁP DỤNG TBKT ĐỂ SẢN XUẤT CÁC SẢN PHẨM CÓI CAO CẤP PHỤC VỤ XUẤT KHẨU  

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Xuân Phường, Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp Nam Thắng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: HTX Tiểu thủ công nghiệp Nam Thắng, huyện Nam Sách.

Thời gian thực hiện: Năm 1999 và năm 2001.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Cải tiến mẫu mã thảm quại theo công nghệ của Trung Quốc.

- Áp dụng TBKT để nâng cao năng suất lao động trong công nghệ xe cói.

- Đào tạo tay nghề sử dụng cói chính phẩm.

- Áp dụng thử chế phẩm sulfur và lò sấy tập trung nâng cao chất lượng, thời gian bảo quản và độ khô đồng đều cho các sản phẩm cói cao cấp xuất khẩu.

- Xây dựng mô hình thâm canh cói đạt năng suất cao phục vụ nghề thảm cói xuất khẩu.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm cói đan cao cấp và thảm cói xuất khẩu.

- Trong năm 1999 mở được 2 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về mẫu mã, đa dạng mặt hàng cói với sự tham gia của 600 lượt người và 1 lớp tập huấn về các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất cây cói cho 30 người thuộc vùng thâm canh cói tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách.

- Về đào tạo tay nghề: đã đào tạo cho 89 người tại hai xã Nam Hưng và Nam Tân, huyện Nam Sách nắm được kỹ thuật đan các sản phẩm cói cao cấp xuất khẩu; đào tạo cho 96 người tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ nắm được kỹ thuật đan thảm xuất khẩu.

2. Thiết kế mẫu thảm quại xuất khẩu.

- Năm 1999 đã có 10 mẫu thảm quại được thiết kế. Trong đó, 5 mẫu hàng mới được thị trường Đài Loan, Hàn Quốc chấp nhận.

- Năm 2001:

+ Đối với mặt hàng cói đan cao cấp: 10 mẫu hàng đã được thiết kế, gửi chào hàng qua Công ty Haprosimex Sài Gòn tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghệ tại Nhật Bản. Trong đó, 4 mặt hàng được khách hàng lựa chọn, gồm: Làn cói xách tay cỡ 38 x 13 cm, đệm ô van 45 x 30 cm, đệm tròng đường kính 40 cm có 2 vòng hình sin, đĩa cói có hình sin 5 cánh.

+ Đối với hàng thảm cói thiết kế được 3 mẫu mới và được thị trường Đài Loan chấp nhận gồm thảm hình lưỡi lam, hình đèn cầy và hình gồ 3 đường.

3. Hiệu quả dự án.

- Sản phẩm cói cao cấp đã xuất sang Nhật Bản được 2.600 sản phẩm, trong đó: làn cói 150 chiếc, đệm ô van 45 x 30 cm: 140 chiếc, đệm hình tròn đường kính 40 cm: 550 chiếc, đĩa hình sin 5 cánh: 1.860 chiếc. Sản phẩm cói khác xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức với 122.400 sản phẩm.

- Hiệu quả kinh tế của hàng cói đan cao cấp và hàng thảm cói:

+ HTX Tiểu thủ công nghiệp Nam Thắng, huyện Nam Sách sản xuất và xuất khẩu được 2.600 sản phẩm cói cao cấp, thu được 12.350.000 đồng.

+ Sản phẩm thảm cói tận dụng, trước đấy là phế liệu, năm 2001 sản xuất 122.400 sản phẩm, xuất khẩu và thu được 217.714.600 đồng.

+ Tạo việc làm cho 1.800 lao động ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ và các xã Nam Tân, Nam Hưng, huyện Nam Sách.

+ Chi phí nguyên liệu cho 1 sản phẩm thấp hơn 36%, giá bán tăng 19%, công lao động tăng 72%.

4. Áp dụng máy xe sợi cói tự động cắt mấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Đề tài hỗ trợ vốn mua 10 máy xe sợi tự động cắt mấu, giao cho 10 hộ nông dân tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

- Tổ chức hướng dẫn cách vận hành và sửa chữa thiết bị cho các hộ tham gia đề tài.

- Ưu điểm của máy mới so với máy cũ là:

+ Không cần cắt mấu theo khi xe sợi (giảm 1-2 công lao động làm theo máy).

- Năng suất tăng 30 - 35% (13 - 17 con quại/12 giờ), con quại có độ bóng đẹp hơn làm trên máy cũ.

+ Thiết bị có hệ thống điều chỉnh độ xoăn, rão của con quại theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.

+ Thiết bị cho phép sử dụng các loại nguyên liệu, cói to, cói nhỏ và đặc biệt tận thu cói phế loại để se sợi phục vụ đan thảm xuất khẩu, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

- Kết quả áp dụng máy xe sợi tự động cắt mấu:

+ Sau 3 tháng, các hộ đã vận hành thành thạo và biết cách sửa chữa, điều chỉnh; sản phẩm làm ra đẹp, năng suất cao, thu nhập khá.

+ Thu được 50 lao động từ khâu xe sợi đến khâu đan thảm, tiêu hao nguyên liệu 1 năm từ 20 - 30 tấn cói, thu 40 - 60 triệu đồng từ bán cói phế loại trước đây bỏ đi; nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cói.

5. Áp dụng chế phẩm Sulfur để bảo quản sản phẩm cói trước khi đưa vào lò sấy.

Trước đây khi thực hiện đề tài sản phẩm, nguyên liệu được sấy trong lò sấy thủ công, sản phẩm nhanh bị mốc, chuyển màu, làm giảm hình thức, chất lượng, dẫn đến bị loại nhiều khi đưa đi tiêu dùng.

Ban chủ nhiệm đề tài dùng chế phẩm Sulfur để xông sản phẩm và nguyên liệu trước khi đưa vào lò sấy, sản phẩm có màu trắng hồng đều nhau, kéo dài thời gian bảo quản lên từ 3-4 tháng, chống nấm mốc; cho phép chủ động về thời gian giao hàng, nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm trên thị trường.

6. Thiết kế xây dựng lò sấy tập trung các sản phẩm cói.

- Ban chủ nhiệm đề tài đã cải tiến, thiết kế lò sấy sản phẩm cói khắc phục được những nhược điểm của lò sấy theo mẫu của Ninh Bình như: lắp đặt lưới thép phòng hoả hoạn, lắp tấm cản nhiệt và toả nhiệt rộng ra xung quanh lò than, thiết kế các cửa lấy gió từ bên ngoài vào lò than, tăng cường đối lưu không khí và thoát hơi nước trong lò sấy; thiết kế và lắp đặt hệ thống van thoát ẩm để chủ động nâng, hạ nhiệt độ trong lò, đẩy nhanh sự thoát hơi nước; lắp đặt hệ thống bánh xe cho lò than để di chuyển lò than được dễ dàng, thuận tiện.

- Lò sấy cải tiến được xây dựng tại xã Nam Hưng, huyện Nam Sách. Công suất lò 2.000- 3.000 sản phẩm/mẻ. Kích thước buồng sấy 4 x 2,5 x 3 m, dung tích 30 m3. Kết quả 3 lần đốt thử vào các tháng 7, 8, 9 năm 2001 cho thấy, 100% sản phẩm thảm cói sau sấy đạt yêu cầu.

- Quy trình sấy như sau:

Sản phẩm thảm cói ð Giàn sấy ð Căng lưới phòng hoả hoạn ð Đốt lò than ð Che tấm cản nhiệt ð Đóng van thoát ẩm ð Đóng kín buồng sấy ð Mở van thoát ẩm sau 5 giờ khi nhiệt độ trong lò đạt 60 - 70 độ C, giữ nguyên nhiệt độ 60 - 70 độ C trong 15 giờ ð Sản phẩm đạt yêu cầu thì ra lò.

7. Xây dựng mô hình áp dụng TBKT thâm canh cói, chuyển đổi sản xuất cói từ 1 vụ/năm sang 2 vụ/năm đạt năng suất cao, chủ động cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.

Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ có diện tích trồng cói trên toàn xã 9 ha, trồng 1 vụ /năm, năng suất đạt 190 - 200 kg/sào/vụ, lãi 70.000 -100.000 đồng/sào/7 tháng.

Đề tài đã xây dựng mô hình thâm canh cói 2 vụ đạt năng suất cao. Trong đó, tổ chức tập huấn cho 60 hộ nông dân về quy trình kỹ thuật thâm canh cói 2 vụ. Sau tập huấn đã có 48 hộ nông dân áp dụng quy trình và chuyển đổi trồng cói từ 1 vụ sang 2 vụ với tổng diện tích 7 ha. Vụ xuân đạt năng suất trung bình 360 kg/sào, cao hơn hẳn so với đối chứng 200 kg/sào, vụ mùa đạt 190 kg/sào.

Kết quả năm 2001 áp dụng TBKT thâm canh cói 2 vụ góp phần nâng cao sản lượng cói của xã An Thanh lên 120 tấn, tăng 50 tấn so với năm 2000. Trong đó, sản lượng cói của 7 ha thâm canh đạt 108,584 tấn/năm.

Cói được thâm canh có chất lượng hơn hẳn cói không thâm canh: 80% số lượng cói đạt độ dài 1,7 - 2 m (cói thâm canh chỉ đạt 35% có độ dài 1,7 - 2 m); 75% cói đường kính đồng đều giữa gốc và ngọn (đối chứng đạt 40%); dai sợi và ít bị đứt trong quá trình xe sợi hơn (500 m cói xe phải nối 10 - 12 lần, cói không thâm canh phải nối 40 - 50 lần).

Kết quả phân tích cho thấy, các hộ áp dụng TBKT thâm canh đạt thu nhập 1.129.000 đồng/ năm, hơn 4 lần so với trồng cói không thâm canh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Các mô hình được xây dựng trong đề tài chỉ duy trì được trong 3 năm (1999-2001). Không nhân rộng được một phần do có những khó khăn về thị trường, một phần do diện tích cói nguyên liệu không ổn định, mua cói từ Ninh Bình về sản xuất thì lợi nhuận thấp, các đơn vị không mở rộng sản xuất được.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây