Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

ĐỀ ÁN ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TIÊN TIẾN THEO TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ CHO CÁC DOANH NHIỆP VÀ TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2002 - 2005  

Chủ nhiệm dự án: TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ năm 2002 đến năm 2006.

Đề án được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Triển khai có trọng điểm một số hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, TQM, GMP và HACCP cho các doanh nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về áp dụng các HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường và của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng các HTQLCL phù hợp với năng lực công nghệ và ngành hàng sản xuất, kinh doanh.

- Phấn đấu đến năm 2005 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 40 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ HTQLCL và sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước và quốc tế.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đào tạo tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTQLCL tiên tiến.

HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên Báo Hải Dương, Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Năng suất Việt Nam, Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, v.v... thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các đối tượng là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh, cấp ngành, đại diện chủ doanh nghiệp, cán bộ, công chức của một số sở, ban, ngành. Nội dung tuyên truyền, đào tạo, tập huấn tập trung vào làm rõ khái niệm của HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9000, GMP và HACCP, lợi ích của việc áp dụng, những yếu tố áp dụng thành công, những thông tin cập nhật về HTQLCL trên thế giới và Việt Nam, những yêu cầu của hệ thống, v.v...

Thu thập 10 tài liệu dưới dạng đĩa VCD, 1 phần mềm ISO-Quick, 4 loại sách với số lượng hàng ngàn bản phục vụ cho các lớp tập huấn.

Tổ chức cho thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo một số doanh nghiệp tham quan, trao đổi kinh nghiệm ở một số địa phương có phong trào áp dụng HTQLCL tiên tiến mạnh mẽ và hiệu quả như Hà Tây, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, v.v...

Hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức đi đúng hướng, xác định đúng đối tượng, nội dung phản ánh cụ thể rõ ràng với nhiều hình thức phong phú, làm chuyển biến tích cực về nhận thức của các cơ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

2. Khảo sát, đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc tế.

2.1. Khảo sát nhu cầu áp dụng HTQLCL.

Kết quả điều tra, khảo sát kết hợp với phỏng vấn trực tiếp tại 33 đơn vị cho thấy:

- Hầu hết các doanh nghiệp thuộc tỉnh có trình độ và năng lực công nghệ thấp, việc quản lý chất lượng chưa đi vào nền nếp, trình độ tay nghề của công nhân không cao, cơ sở vật chất thử nghiệm yếu, v.v... Đây là những rào cản cho việc tiếp nhận, xây dựng và áp dụng HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là khối các doanh nghiệp dân doanh.

- Trước yêu cầu của quá trình hội nhập, một số doanh nghiệp do địa phương quản lý đã có nhu cầu áp dụng HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế tại doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Tuy vậy, một số doanh nghiệp chưa nhận thức hết giá trị của việc áp dụng HTQLCL, một số khác ngại khó khăn, ngại tốn kém kinh phí. Không ít doanh nghiệp không muốn thay đổi thói quen quản lý tuỳ tiện đã hình thành và tồn tại từ thời kỳ bao cấp.

- Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh chưa tiếp cận nhiều với thông tin về HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.

2.2. Lựa chọn doanh nghiệp tham gia dự án.

Căn cứ kết quả khảo sát năm 2002-2006 đã lựa chọn 12 doanh nghiệp, gồm: Công ty Xi măng Hải Dương, Công ty may I, Công ty giống cây trồng, Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản, Trung tâm giống gia súc, Công ty cổ phần bia Hà Nội - Hải Dương, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch, Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH một thành viên Điện lực, Công ty TNHH Phú Tân, Công ty TNHH Gia Bảo và một số đơn vị hành chính, sự nghiệp như Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Các đơn vị nói trên được sự hỗ trợ kinh phí tư vấn, chứng nhận. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng được tư vấn, giới thiệu về các yêu cầu, lợi ích khi áp dụng của các hệ thống quản lý, hỗ trợ về tài liệu để các doanh nghiệp lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

3. Kết quả đạt được.

3.1. Nâng cao nhận thức.

Thông qua các đợt tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trao đổi trực tiếp đã giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng ISO 9000 là:

- Tạo nền móng cho sản phẩm có chất lượng.

- Tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Nâng cao uy tín của doanh nghiệp, góp phần tích cực cho quá trình xây dựng thương hiệu.

3.2. Nắm vững các giai đoạn chính của quá trình triển khai.

Bước 1: Tìm hiểu tiêu chuẩn, xác định phạm vi áp dụng.

Bước 2: Lập Ban chỉ đạo thực hiện ISO 9000.

Bước 3: Đánh giá thực trạng của đơn vị và so sánh với tiêu chuẩn.

Bước 4: Thiết kế và lập văn bản hệ thống chất lượng theo ISO 9000.

Bước 5: Áp dụng hệ thống văn bản.

Bước 6: Chuẩn bị cho đánh giá chứng nhận.

Bước 7: Đánh giá chứng nhận.

Bước 8: Duy trì hệ thống chất lượng sau khi chứng nhận.

4. Những chuyển biến tích cực sau khi áp dụng thành công ở các doanh nghiệp.

Nhận thức được việc áp dụng HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, một số doanh nghiệp hăng hái tham gia Đề án, quyết tâm xây dựng và áp dụng thành công công cụ quản lý tiên tiến này. Sau thời gian 8 - 12 tháng, hầu hết các đơn vị tham gia Đề án xây dựng xong hệ thống tài liệu, đưa vào áp dụng, tiến hành đánh giá nội bộ, sau đó mời Tổ chức chứng nhận đánh giá chính thức.

Trong quá trình xây dựng và áp dụng HTQLCL tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp đã phải khắc phục nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trở ngại về công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và trình độ của đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất xây dựng hệ thống tài liệu phù hợp với đơn vị. Ví dụ: Công ty Xi măng Hải Dương xây dựng 25 qui trình cho hầu hết các khâu sản xuất, 1 sổ tay chất lượng và 100 biểu mẫu ghi chép các loại. Công ty cổ phần khai thác, chế biến đá và khoáng sản xây dựng 1 sổ tay chất lượng, 21 qui trình, 80 biểu mẫu. Công ty cổ phần đá mài Hải Dương xây dựng 01 sổ tay chất lượng, 12 qui trình, 69 qui định, 6 hướng dẫn công việc và 85 biểu mẫu. Nhà máy gạch ốp lát Sao Đỏ xây dựng 1 sổ tay chất lượng, 10 qui trình, 15 hướng dẫn, 80 biểu mẫu...

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến làm thay đổi tác phong của lãnh đạo doanh nghiệp. Mọi mệnh lệnh điều hành đều được thể hiện bằng văn bản, khi xảy ra sự cố, ách tắc người quản lý xác định ngay được nguyên nhân, vị trí và người chịu trách nhiệm về sai sót, kịp thời có biện pháp khắc phục.

Kết quả áp dụng ISO 9000 tại các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận cho thấy kỷ luật lao động được củng cố, năng suất lao động tăng lên đáng kể, chất lượng sản phẩm ổn định. Cụ thể như sau:

- Công ty xi măng Hải Dương: Chất lượng xi măng ổn định, tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm từ 20% xuống còn 5%; sản lượng tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, tăng 89.328 tấn năm 2002 lên 98.000 tấn vào năm 2005.

- Công ty cổ phần đá mài: Tỷ lệ sản phẩm đá mài đạt tiêu chuẩn tăng 1,5%, chất lượng hạt Corindon loại 1 tăng 3%, năng suất lao động tăng 30%, thu nhập người lao động tăng 10%.

- Công ty cổ phần may I: Các sản phẩm xuất ra thị trường đạt chất lượng 100%, không có sự phàn nàn của khách hàng về chất lượng và thời hạn giao hàng. Thu nhập của người lao động ổn định từ 600.000 - 700.000 đồng/người/tháng. Một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mêxicô, v.v... được giữ vững và có xu hướng mở rộng sang thị trường Mỹ và EU.

- Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương: ­­­­Sản lượng nước đầu nguồn năm 2005 đạt 10.073.624m3, tỷ lệ thất thoát 25%, không có ý kiến phàn nàn của khách hàng về chất lượng nước.

- Trung tâm giống gia súc: Số liều tinh sản xuất và tiêu thụ năm 2004 là 208.900 liều và 154.069 liều, năm 2005 là 254.678 và 204.698 liều; thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 800.000 đồng/người/tháng năm 2004 lên trên 1 triệu đồng/người/tháng năm 2005. Khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Cuối năm 2005 xây dựng xong hệ thống tài liệu dùng chung và tài liệu của từng đơn vị. Đầu năm 2006 Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (QUACERT) đánh giá chứng nhận và đã được cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Hệ thống tài liệu được xây dựng phù hợp, công việc được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian chờ đợi cho khách hàng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả 4 năm thực hiện Đề án đã tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí để xây dựng và áp dụng HTQLCL tiến tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trên cơ sở Quyết định 144-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3511/QĐ-UBND ngày 12/10/ 2006 về việc phê duyệt Đề án "Áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001-2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010".

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây