Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp: Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2004.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh về năng lực công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ, tình hình đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương so với hiện trạng chung của cả nước.
- Đề xuất các biện pháp, chính sách, giải pháp hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm trong hoạt động sản xuất, góp phần vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2003-2005.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức các cuộc hội thảo để thống nhất tiêu chí và phương pháp lựa chọn danh mục các doanh nghiệp (DN) theo từng lĩnh vực sản xuất cần tiến hành điều tra rộng và điều tra sâu để có kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng công nghệ.
Năm 2003, điều tra rộng 53 DN thuộc 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh, Cẩm Giàng, Bình Giang, Ninh Giang và địa bàn thành phố Hải Dương. Trong đó, có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, 9 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may, 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất giầy, 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản.
Xây dựng quy trình xử lý số liệu và tổng hợp kết quả điều tra trình độ năng lực công nghệ của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2003.
Trong số 53 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp được điều tra rộng năm 2003 đã lựa chọn 18 doanh nghiệp điển hình thuộc 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp để điều tra sâu năm 2004. Trong đó, có 6/18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, 3/9 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, 3/10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may, 3/4 doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất giày, 3/12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản.
- Kết quả điều tra cho thấy:
+ Các doanh nghiệp được chia thành 3 loại quy mô: 29 doanh nghiệp nhỏ, chiếm tỷ lệ 54,7%; 8 doanh nghiệp vừa, chiếm 15,1%; 16 doanh nghiệp lớn, chiếm 30,2%.
+ 59,6% doanh nghiệp điều tra có tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu dưới 50%; 1,9% doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu từ 51 - 80%. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đa số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có thương hiệu hàng hoá, xuất khẩu chủ yếu là các loại thực phẩm chế biến thô. Số doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu trên 80%, chiếm tỷ lệ 38,50%, chủ yếu là các ngành hàng da giầy, may mặc.
2. Đánh giá về hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
2.1. Đánh giá các chỉ tiêu về trình độ sản phẩm.
- Về sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường: có 4/5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp là cơ khí, may mặc, giầy và chế biến có tỷ lệ cạnh tranh cao trên thị trường, kể cả thị trường nước ngoài.
- Về sản phẩm xuất khẩu: Hải Dương đã lấy sản phẩm xuất khẩu là hướng chủ lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, chỉ tiêu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường thông qua các dịch vụ hỗ trợ.
- Về sản phẩm có thương hiệu hàng hoá: có 34/53 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 65,5% doanh nghiệp được điều tra có đăng ký thương hiệu hàng hóa. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều nhà quản lý ở một số doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc chưa được hướng dẫn thủ tục đăng ký.
- Về sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam: có 29/53 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 51,1% doanh nghiệp điều tra đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Riêng lĩnh vực may mặc chỉ gia công cho các đối tác nước ngoài, các công ty liên doanh, sản phẩm tuy không thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng lại phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang khu vực EU, Nhật Bản và Bắc Mỹ theo đơn đặt hàng.
Tóm lại, trình độ sản phẩm của 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp được điều tra khảo sát chỉ được xếp loại trên trung bình.
2.2. Đánh giá các chỉ tiêu về trình độ công nghệ trong sản xuất.
- Chỉ số thiết bị hiện đại (Ihđ) của các doanh nghiệp còn kém, đa số các doanh nghiệp (63,4%) có chỉ tiêu này ở mức dưới 50%. Chỉ có trên 15% doanh nghiệp có Ihđ trên 80%. Các doanh nghiệp có tỷ trọng thiết bị hiện đại khá nhất phần lớn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
- Không có doanh nghiệp nào có chỉ tiêu lao động làm việc trên thiết bị cơ khí và tự động hoá (Kck) đạt mức trên 80%. Trong đó, trên 70% số doanh nghiệp được điều tra có chỉ tiêu Kck dưới 50%. Nghĩa là chỉ có dưới 50% số công nhân sản xuất làm việc trên thiết bị cơ khí hoá, phần lớn số lao động trong doanh nghiệp đều sử dụng lao động thủ công là chủ yếu.
- Các chỉ tiêu về chi phí năng lượng cho một đơn vị sản phẩm tính theo giá trị % (H1)đều ở mức dưới 10% và phần lớn các doanh nghiệp (63,5%) đều có chỉ tiêu về chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm tính theo giá trị % (H)2 dưới 50%.
- Đa phần các doanh nghiệp được điều tra đều phụ thuộc vào nước ngoài về nguyên liệu, bán thành phẩm ở mức độ thấp (dưới 50%). Riêng các doanh nghiệp may mặc và da giày, sự phụ thuộc vào bán thành phẩm nhập ngoại là khá cao, có tới 30% doanh nghiệp ngành may và 25% doanh nghiệp ngành da giầy có chỉ tiêu về mức phụ thuộc vào hàng hóa bán thành phẩm tỷ trong bán thành phẩm (Pbtp) là trên 80%.
- Hầu hết các ngành sản xuất đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào kỹ thuật nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ và có thể tự chế tạo, thay thế được một số bộ phận thiết bị, tự chế một số chi tiết, làm giảm mức độ phụ thuộc kỹ thuật nhập ngoại. Trong tất cả các doanh nghiệp được điều tra công nhân, kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và không phụ thụ vào nhân lực nước ngoài, trừ một số doanh nghiệp nước ngoài do các người nước ngoài quản lý.
- Một số chỉ tiêu khác về trình độ công nghệ như 25,5% doanh nghiệp thực hiện ISO:9000; 5,9% doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO: 14.000.
2.3. Đánh giá năng lực công nghệ của các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
- Đánh giá theo tổng thể các chỉ tiêu thuộc về năng lực công nghệ hầu hết các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực điều tra đều đạt loại khá trở lên với 19 chỉ tiêu. Năng lực công nghệ của doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp hoặc toàn nhành công nghiệp thể hiện chủ yếu phụ thuộc vào vai trò tổ chức quản lý, nguồn nhân lực. Trình độ và năng lực công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp mới ở các giai đoạn thích nghi công nghệ được chuyển giao hoặc lặp lại quy trình công nghệ được chuyển giao và những thay đổi, cải tiến nhỏ về quy trình công nghệ. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào tiến hành nghiên cứu - triển khai để thực sự để có được quy trình công nghệ của mình cũng như các sản phẩm hoàn toàn mới.
2.4. Đánh giá về cơ sở hạ tầng công nghệ của các doanh nghiệp.
Thực trạng cơ sở hạ tầng công nghệ tại từng doanh nghiệp nói riêng và của cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung mới chỉ ở mức đạt yêu cầu cả về tổ chức quản lý (O), con người (H), thông tin (I) và kỹ thuật (T). Nhìn chung, các chỉ tiêu phản ánh hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp còn khá yếu. Các đơn vị thuộc cơ sở hạ tầng công nghệ của các DN nói chung chỉ được đánh giá ở mức điểm 1 và 2, tức là từ không có hoạt động hoặc tạm được.
2.5. Đánh giá hoạt động đổi mới công nghệ và sản phẩm của các doanh nghiệp.
- Hoạt động đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất nhìn chung ở từng lĩnh vực và toàn ngành sản xuất công nghiệp là yếu. Song điều đáng ghi nhận là lực lượng tham gia quản lý và trực tiếp sản xuất đều rất tích cực trong các hoạt động đổi mới và ý thức được phải luôn đổi mới để cạnh tranh và tồn tại kể cả trong tương lai.
- Các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm tới những vấn đề trước mắt về công nghệ và thị trường, chưa có tầm nhìn dài hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại. Đi sâu vào các lĩnh vực sản xuất, có thể thấy rằng các hoạt động đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm nổi trội hơn trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí.
- Những nguồn thông tin có giá trị cao hơn và tạo ra những đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm cơ bản hơn như nghiên cứu và triển khai nội bộ, hợp tác với tổ chức khoa học và công nghệ bên ngoài, liên kết với doanh nghiệp khác còn ít được sử dụng.
2.6. Ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp.
Tỷ lệ các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin còn quá ít, khoảng 50% số doanh nghiệp được điều tra có sử dụng phần mềm kế toán, 15% doanh nghiệp có xây dựng website để quảng bá doanh nghiệp, 22% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm quản lý nhân sự. Có 30% số doanh nghiệp điều tra sử dụng phần mềm trong sản xuất; trong đó các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí và may mặc có tỷ lệ sử dụng phần mềm trong sản xuất là vượt trội hơn cả.
3. Các biện pháp nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ các lĩnh vực then chốt của tỉnh Hải Dương.
3.1. Một số "điểm sáng" cần được nhân rộng.
Đề tài đã nêu ra được 7 hoạt động điển hình cần nhân rộng, đó là:
- Tinh thần chấp nhận cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
- Động thái thiết lập các quan hệ liên kết với các doanh nghiệp mạnh ở Trung ương.
- Xây dựng và mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ quan khoa học và công nghệ ở Trung ương.
- Nhận thức về ảnh hưởng của việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến đối với việc nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề cao.
- Ý thức xây dựng "thương hiệu" và bảo vệ thương hiệu được nhận biết thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Ảnh hưởng tích cực nhiều mặt của công tác cổ phần hoá doanh nghiệp.
3.2. Một số vấn đề nổi bật cần được quan tâm giải quyết.
Bên cạnh những "điểm sáng", nhóm nghiên cứu sơ bộ phát hiện một số mặt tồn tại rất đáng được quan tâm và tìm giải pháp nhanh chóng khắc phục, gồm chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tiếp cận và làm chủ một số công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến; mối quan hệ hợp tác, liên kết để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng trên địa bàn chưa thật rõ nét; việc vận dụng các hình thức khuyến khích các cán bộ kỹ thuật công nghệ chưa thật thoả đáng; ý thức chủ động tìm hiểu, học hỏi, khai thác các bí quyết công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các đối tác nước ngoài; khắc phục khó khăn của nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
3.3. Các nhóm biện pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực công nghiệp sản xuất.
- Nhóm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư trong nước đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực công nghệ. Thực hiện các chính sách kích "cầu" đi đối với kích "cung" công nghệ, góp phần tích cực vào hoạt động đổi mới.
- Nhóm biện pháp tổ chức quản lý công nghệ tại các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
- Nhóm các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp đổi mới công nghệ và sản phẩm.
- Nhóm các biện pháp về tổ chức và cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả nghiên cứu đề tài là căn cứ khoa học phục vụ quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV. Kết quả đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành có liên quan áp dụng vào việc tổ chức triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.