Phương án quy hoạch và xử lý hệ thống thoát nước

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH VÀ XỬ LÝ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG, TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2005  

Chủ nhiệm đề tài: Kiến trúc sư Nguyễn Thị Phương Liên.

Cơ quan chủ trì: Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Công ty tư vấn xây dựng và phát triển đô thị Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2002.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Thu thập thông tin về tình trạng nước mưa, nước thải khu vực nội thành thành phố Hải Dương trong trong vòng 5 năm liên tục trước thời điểm thực hiện đề tài.

- Xác định giải pháp, đề xuất phương án thoát nước, chọn phương án thích hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của tỉnh.

- Đề xuất những cải tiến quản lý cấp thoát nước theo ngành và lãnh thổ.

- Đề xuất thứ tự ưu tiên trong xử lý thoát nước thành phố Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra, khảo sát hiện trạng.

- Tiến hành điều tra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Hải Dương như số đơn vị hành chính, dân số và lao động, mật độ phân bố các khu dân cư, đô thị mới, công nghiệp v.v...

- Điều tra tính toán lượng nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tính toán tổng lượng nước thải cho khu vực nội đô cũ là 25.503 m3/ngày-đêm, khu vực ngoại đô là 800m3/ngày-đêm. Tổng lượng nước thải đô thị cho cả khu vực nội và ngoại đô năm 2002 là 27.103m3/ngày-đêm.

- Về điều kiện địa chất, địa hình: Thành phố Hải Dương có địa hình tương đối bằng phẳng, trũng hơn so với một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cốt cao độ lớn nhất +3,2m, thấp nhất + 1,0m; độ dốc trung bình mặt đất 0,1%, độ dốc cao nhất 0,5%; hồ ao trong thành phố Hải Dương có độ cao đáy dưới 1,0 m.

- Lượng mưa trung bình trong năm: theo số liệu quan trắc từ năm 1996-2002 từ 1.151 đến 1.880mm, số ngày mưa trung bình 127,2 ngày, chế độ mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 5, 10, lượng mưa lớn nhất tập trung vào 3 tháng 6, 7 và 8.

- Kết quả điều tra về hệ thống ao hồ, sông ngòi cho thấy tổng diện tích của các hồ, hào thành ở thành phố Hải Dương là 62,63 ha; độ sâu lớn nhất của hệ thống sông, hào thành có khả năng chứa nước là 5,5 m và thấp nhất là 1,6 m. Dung tích của hồ, hào thành 3.444.650 m3. Mực nước cố định ở các hồ luôn ở cốt +1,0m nên dung tích chứa của hồ khi trời mưa chỉ còn 1.597.065 m3.

- Khảo sát khảo sát 65 điểm thuộc 12 tuyến đường có liên quan đến độ dốc thoát nước mặt của TP. Hải Dương. Kết quả khảo sát cho thấy hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng theo địa hình tự nhiên, dốc từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Trong đó, gần 40km đường ống thoát nước nội thành có đường kính ống từ 0,2-1,0m. Đường ống thoát nước nội đô được xây dựng từ nhiều năm đã bị hư hỏng rất nhiều. Có những đoạn ống mương đã bị vỡ, sập cát, cỏ mọc đầy đường ống đã gây tắc nghẽn dòng chảy như đường Nguyễn Lương Bằng, Bùi Thị Cúc, Hoàng Văn Thụ, v.v...

2. Phương án quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hải Dương giai đoạn 2010-2020.

- Định hướng phương án quy hoạch hệ thống thoát nước tự chảy:

Cải tạo và nạo vét dòng sông từ sông Cầu Cất chảy theo đường 191 và đổ thẳng ra sông Thái Bình với chiều dài khoảng 5,0 km. Tận dụng đoạn sông Sặt từ Cầu Cất vào thành phố làm hồ chứa và hồ điều hoà.

Nối thông đoạn sông Sặt khu cầu Hồng Quang với sông Sặt khu Cầu Cất thành một hồ chứa. Cải tạo cống Âu Thuyền ra sông Thái Bình tiêu thoát tự chảy ra sông Thái Bình khi mực nước ra ngoài sông thấp hơn trong thành phố. Tại khu vực gần Cầu Cất xây dựng hệ thống cống điều tiết nước sông Sặt vào pha loãng nước ô nhiễm trong các hồ, hào thành.

- Định hướng quy hoạch và lựa chọn sơ đồ hệ thống thoát nước trong thành phố:

Đối với khu nội thành đã và đang xây dựng gồm khu công sở và dân cư thoát nước theo phương án hỗn hợp giữa hệ hệ thống thoát nước chung và thoát cục bộ.

Đối với khu công nghiệp mới được xây dựng áp dụng phương án thoát nước riêng. Trong đó, nước mưa tiêu thẳng ra sông, hồ lân cận. Nước thải theo hệ thống riêng gom về khu xử lý đạt tiêu chuẩn sau đó cho thoát ra sông, hồ.

- Phân lưu vực thoát nước:

+ Lưu vực 1: diện tích 935 ha, gồm phía đông đường Điện Biên Phủ, đường 5A, sông Thái Bình. Độ dốc địa hình từ Bắc xuống Nam, nước tự chảy hướng về phía sông Sặt, với lưu vực này khống chế độ cao san nền theo từng trục đường và trong khoảng từ 2,2 - 2,4 m.

+ Lưu vực 2: Diện tích 1.347 ha, gồm toàn bộ khu vực phía Đông đường Điện Biên Phủ, giới hạn bởi đường sắt, sông Sặt, khu vực phường Thanh Bình, xã Tứ Minh với độ dốc dần từ Bắc xuống Nam, cốt san nền là 2,8 - 3,0 m.

+ Lưu vực 3: diện tích 735 ha, gồm khu phía Bắc đường sắt thuộc địa phận xã Việt Hoà, khống chế cao độ san nền từ 3,0 - 3,4 m.

+ Lưu vực 4: diện tích 606 ha, lưu vực còn lại ở phía Nam thành phố Hải Dương, cốt san nền từ 2,4 - 2,7 m.

- Giải quyết trước mắt chống ngập úng cho khu vực nội thị: theo điều tra tình trạng ngập úng khu nội thị sau những trận mưa từ 100 mm trở lên, để giải quyết trước mắt ngập lụt tại khu trung tâm thành phố thì phải đặt thêm 3 tuyến cống f 1.500 mm tại 3 tuyến đổ ra sông Sặt (Tuyến 1: Từ ngã tư Đông Thuỵ theo đường Nguyễn Du ra sông Sặt. Tuyến 2: Từ cổng Công an tỉnh theo đường Hoàng Văn Thụ ra sông Sặt. Tuyến 3: Từ ngã 6 đường Tuy Hoà ra sông Sặt).

- Định hướng mở rộng hồ, hào để điều hoà: theo kết quả tính toán trên, với trạm bơm tiêu của thành phố có công suất 40.000 m3/h thì còn thiếu 25,0 ha mặt nước để chứa, để giải quyết tình trạng này và tận dụng để tiêu tự chảy cho thành phố khi chân triều thấp định hướng dòng chảy của sông Sặt đi theo hướng đường 191 và đổ ra sông Thái Bình; đoạn sông Sặt từ Cầu Cất tới Âu Thuyền được khai thác làm hồ chứa, điều hoà với diện tích khoảng 15 ha.

3. Quy hoạch và đề xuất phương án xử lý nước thải.

- Đối với khu vực nội thị: xây dựng hệ thống đường cống bao để thu gom nước thải và bơm về trạm xử lý.

- Với khu vực xây dựng cải tạo: khu phường Thanh Bình, Cẩm Thượng xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đưa về trạm xử lý.

- Trong Khu công nghiệp xây dựng mới: xây dựng hệ thống đường cống dẫn nước thải riêng và xây dựng trạm xử lý nước thải cho từng khu vực.

Có 3 phương án được đề xuất:

+ Phương án 1: Dùng hệ thống thoát nước chung.

Hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải như hiện nay. Các hồ, ao hiện có và các hồ mới đóng vai trò điều hoà nước mưa và xử lý lại nước thải. Các hồ này về chức năng thoát nước mưa được tính toán phối hợp với các trạm bơm tiêu đảm bảo tiêu nước mưa trên thành phố với các lượng mưa dự kiến. Các hồ được tăng cường khả năng làm sạch nước thải bằng các biện pháp nhân tạo và được nạo vét thường xuyên để đảm bảo nước trong các hồ phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam cho các nguồn nước phục vụ tạo cảnh.

+ Phương án 2: Dùng hệ thống thoát nước hỗn hợp.

Đối với khu vực phố cũ, giống như phương án 1, các loại nước thải phải được xử lý sơ bộ đến tiêu chuẩn quy định trước khi cho chảy vào hệ thống. Một hệ thống cống bao được xây dựng dọc theo các sông, các hồ điều hoà với các thiết bị đặc biệt (các giếng tách) để tách nước bẩn về mùa khô, không cho xả vào các hồ và được gom về các trạm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Về mùa mưa, khi có lượng nước mưa lớn cùng chảy trong cống, nước thải bị pha loãng nhiều lần, hỗn hợp nước mưa và nước thải có thể được phép xả ra các sông hồ, không làm các sông, hồ bị ô nhiễm quá mức quy định.

Đối với các khu vực xây dựng mới, khu vực mở rộng đô thị dùng hệ thống thoát nước mưa, độc lập với hệ thống nước thải. Nước mưa được dẫn chảy trực tiếp ra sông, hồ. Nước thải được gom về các trạm xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra bên ngoài.

+ Phương án 3: Dùng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.

Hệ thống thoát nước mưa hoàn toàn độc lập với hệ thống thoát nước thải cho toàn thành phố. Nước mưa sẽ được thu gom và xả trực tiếp ra các sông, hồ. Nước thải được thu gom đưa về trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.

Phương án 3 có chi phí xây dựng cao hơn, nhưng quản lý, vận hành đơn giản, hiệu quả xã hội, môi trường sẽ cao hơn nhiều so với phương án 1 và 2.

4. Các kiến nghị.

+ Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề nghị UBND tỉnh phép lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hải Dương.

+ Đề nghị UBND tỉnh phê duyệt cốt cao độ một số tuyến đường trong thành phố Hải Dương làm căn cứ quản lý xây dựng, thông qua phương án quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước chung thành phố đến năm 2020 và phương án xử lý nước thải thành phố Hải Dương.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu đề tài là căn cứ khoa học để xác định và quản lý cốt xây dựng cho toàn thành phố có hiệu quả, là cơ sở để xác định phương án hướng tuyến thoát nước cho thành phố Hải Dương.

Tuy vậy, kết quả nghiên cứu chưa được chuyển hoá thành văn bản tham mưu cho UBND tỉnh nên việc áp dụng trong thực tiễn còn hạn chế.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây