Mô hình ứng hoá kênh mương

ĐỀ TÀI TỔNG KẾT HIỆU QUẢ KINH TẾ KỸ THUẬT MÔ HÌNH CỨNG HOÁ KÊNH MƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: Lê Trọng Thạnh, Chi cục phó Chi cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Chi cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi các huyện trong tỉnh.

Thời gian thực hiện: 7/1997 - 1/1998.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Đánh giá kết quả thực hiện kiên cố hoá kênh mương ở các huyện trong tỉnh, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của kênh mương được cứng hoá.

- Đề xuất và kiến nghị các biện áp dụng rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả bước đầu thực hiện kiên cố hoá kênh mương ở tỉnh Hải Dương.

Đến tháng 12 năm 1997 toàn tỉnh có 54 trạm bơm với 68 đoạn kênh xây bằng gạch và bê tông vỏ mỏng với tổng chiều dài 16.637 m. Trong đó, có 57 đoạn kênh chính (từ đầu bể xả trở ra) với chiều dài 13.967 m, 11 đoạn nhánh (cấp II, III) với chiều dài 2.670 m. Tổng giá trị đầu tư 5.642,9 triệu đồng.

2. Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của kênh mương được kiên cố hoá.

Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với đại diện các Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi đã tiến hành điều tra, đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của những đoạn kênh sau khi kiên cố với trước khi kiên cố hoá và so sánh giữa kênh mương đã được kiên cố hoá với kênh mương bằng đất. Hiệu quả bước đầu của kênh mương được kiên cố hoá như sau:

- Giảm được diện tích chiếm đất xây dựng kênh, 1km kênh kiên cố hoá dôi ra từ 1.658 - 4.365 m2, bình quân là 3.138 m2.

- Nâng cao nước đầu bể xả từ 15 - 20 cm, giảm thời gian tưới, tăng diện tích tưới tự chảy.

- Giảm 5,1 - 19,5%, bình quân giảm 12,6%, điện năng cho bơm tưới cho 1ha.

- Giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ như đắp ấp trúc, dọn vệ sinh, chống rò rỉ v.v...

- Giảm nhân lực quản lý, thực hiện qui trình tưới tiêu khoa học đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và nhu cầu sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng

3. Đề xuất phương án triển khai nhân rộng.

3.1. Cơ chế quản lý.

- Về phân cấp quản lý:

Thực hiện phân cấp quản lý công trình theo quyết định số 492/QĐ-NN ngày 4/5/1989 của UBND tỉnh và Hướng dẫn liên sở số 22-HD/LS ngày 25/4/1993 của Sở Thuỷ lợi và Sở Tài chính- Vật giá, đó là:

+ Các trạm bơm liên xã: những công trình và kênh mương nằm trên kênh chính và kênh cấp I do các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi quản lý, tu sửa. Các kênh cấp II trở xuống, công trình, kênh mương khác do các HTX quản lý, đầu tư và tu sửa.

+ Các trạm bơm nhỏ phục vụ một xã: do xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi quản lý hết kênh cấp I, từ cấp II trở xuống do các HTX quản lý.

- Giải pháp về vốn:

+ Đối với kênh cấp I, trạm bơm liên xã, trạm bơm phục vụ một xã: đầu tư từ ngân sách Nhà nước là chính và một phần từ nguồn thu thuỷ lợi phí của các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi.

+ Đối với kênh cấp II và cấp III, căn cứ vào diện tích hưởng lợi UBND huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch phân bổ và hướng dẫn các địa phương góp vốn, góp công lao động đầu tư xây dựng.

3.2. Thành lập Ban chỉ đạo chương trình kiên cố hoá kênh mương các cấp.

Ban chỉ đạo kiên cố hoá kênh mương cần được thành lập từ tỉnh đến xã để chỉ đạo thực hiện kiên cố hoá kênh mương đạt hiệu quả cao nhất.

Hoạt động của các Ban chỉ đạo cần đạt các yêu cầu sau:

- Kiên cố hoá kênh mương phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của hệ thống công trình thuỷ lợi, quy hoạch giao thông nông thôn, biện pháp canh tác cơ giới và quy hoạch phát triển nông thôn mới.

- Thiết kế mặt cắt các kênh phải hợp lý, đảm bảo đủ lưu lượng nước tưới phù hợp cho cả hiện tại và tương lai, quy hoạch đủ các cấp kênh mương cần thiết. Giai đoạn trước mắt tạm thời chưa tiến hành kiên cố hoá các đoạn kênh mương có thể thay đổi quy mô hoặc vị trí trong thời gian tới.

- Thi công công trình đồng bộ, dứt điểm kịp thời phục vụ sản xuất.

- Kiểm tra giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng công trình.

- Nghiệm thu, bàn giao công trình theo đúng trình tự xây dựng cơ bản.

3.3. Tiếp tục củng cố hoạt động dịch vụ thuỷ nông.

- Củng cố hệ thống dịch vụ nông nghiệp, bao gồm đơn vị dịch vụ quốc doanh và các HTX dịch vụ ở địa phương phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp.

- Tăng cường lực lượng kỹ thuật ở các cụm, trạm thuỷ nông để giúp các xã rà soát, bổ sung quy hoạch, hướng dẫn các chỉ tiêu thiết kế kiên cố hoá kênh mương, tham gia giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác.

- Tăng cường công tác quản lý kinh tế ở các đơn vị dịch vụ thuỷ nông ở cơ sở theo hướng hoạt động chuyên môn hoá, nâng cao chất lượng tưới tiêu, phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả thực hiện của đề tài là căn cứ khoa học để ngành nông nghiệp đề xuất đề án kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2001-2005 trình Tỉnh uỷ, UBND tỉnh phê duyệt.

Sau 5 năm thực hiện đề án, năng lực tưới, chất lượng phục vụ của hệ thống dịch vụ thuỷ lợi tăng mạnh, thời gian đổ ải giảm được từ 2 - 7 ngày, tăng hiệu quả canh tác, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Quá trình kiên cố hoá kênh mương đã thu hồi được 154 ha đất từ diện tích làm kênh mương cũ chuyển sang canh tác hoặc mở rộng đường giao thông. Tiết kiệm được 10 - 15% điện năng tiêu thụ.

Giai đoạn 2006-2010 việc kiên cố hoá kênh mương tiếp tục được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây