Chủ nhiệm dự án: KS. Trần Việt Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/1998 đến tháng 12/1998.
Dự án được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Nghiên cứu thực trạng giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Hải Dương và đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, các giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ xã hội hoá phát triển giao thông nông thôn.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Tiến hành khảo sát về vị trí địa lý, điều kiện địa chất, khí hậu và thuỷ văn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 1997 của tỉnh Hải Dương.
2. Điều tra, đánh giá hiện trạng mạng lưới giao thông nông thôn ở 11 huyện trong tỉnh.
Tiến hành điều tra khảo sát mạng lưới giao thông nông thôn ở 22 xã thuộc 11 huyện trong tỉnh, mỗi huyện 2 xã, kết quả như sau:
+ Tổng chiều dài mạng lưới GTNT: 703,30 km. Trong đó, đường xã: 120,65 km, chiếm 17,2%; đường thôn, xóm: 336,20 km, chiếm 47,8%; đường ra đồng: 246,43 km, chiếm 35,0%.
+ Mật độ mạng lưới đường GTNT của 22 xã là 3,08 km/km2 diện tích và 3,07km/1000 dân địa phương.
+ Tỷ lệ mặt đường có vật liệu cứng: đường xã có 96,15 km/120,65 km, chiếm 79,7%; đường thôn, xóm có 264,51 km/336,19 km, chiếm 78,7%.
+ Chiều rộng nền đường: đường xã có chiều rộng trung bình từ 5 - 7 m, chỗ hẹp nhất 3 - 5 m, chỗ rộng nhất 5 - 18 m. Đường thôn, xóm có chiều rộng trung bình từ 3 - 5 m, chỗ hẹp nhất 2 - 4 m, chỗ rộng nhất là 6 m. Đường ra đồng có chiều rộng bình quân 2 - 3 m.
+ Tải trọng khai thác: Tải trọng khai thác bình quân đường xã từ 3 - 5 tấn, cá biệt có nơi từ 5 - 10 tấn; đường thôn, xóm có tải trọng khai thác bình quân từ 1 - 3 tấn.
+ Đầu tư xây dựng GTNT trong 3 năm (1995-1997) ở 22 xã: Tổng đầu tư xây dựng GTNT là 39.307 triệu đồng. Trong đó, Ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ 120 triệu đồng bằng 0,31%, Ngân sách huyện hỗ trợ là 135 triệu đồng bằng 0,34%, cấp xã huy động là 8.671 triệu đồng bằng 22,06%, còn lại nhân dân đóng góp 30.381 triệu đồng bằng 77,29%.
3. Hiện trạng mạng lưới GTNT của toàn tỉnh:
Mạng lưới giao thông của tỉnh Hải Dương bao gồm:
- Đường bộ: Tổng chiều dài đường liên huyện 352,4 km; tổng chiều dài đường liên xã dài là 1.448 km; tổng chiều dài đường thôn, xóm là 3.676 km; tổng chiều dài đường ra đồng là 2.986 km. Mật độ mạng lưới đường GTNT: 3,29 km/km2 và 3,32 km/1000 dân, lớn hơn so với mật độ bình quân của khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
- Đường sông: Chiều dài đường sông trên địa bàn tỉnh là 988 km, kênh mương ngoài phục vụ cho công tác tưới tiêu còn phục vụ cho các loại phương tiện vận tải từ 5 tấn đến 50 tấn hoạt động vận chuyển một lượng hàng hoá đáng kể cho các địa phương, nhất là những nơi vùng đồng bằng chiêm trũng chưa có điều kiện phát triển giao thông đường bộ.
- Mật độ mạng lưới đường giao thông lớn, thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu vận chuyển hàng hoá. Theo qui hoạch của Nhà nước cho GTNT đến năm 2020, mật độ đường hợp lý từ 1,5 - 2,0 km/km2. Cần nghiên cứu lại quy hoạch tổng thể GTNT của tỉnh để việc đầu tư cho GTNT có trọng điểm, tránh lãng phí.
- Đầu tư xây dựng GTNT trong 3 năm (1995-1997) với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ" đã huy động được nguồn kinh phí 262.580,6 triệu đồng. Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương: 1.930 triệu đồng, chiếm 0,73%.
+ Ngân sách tỉnh: 2.577 triệu đồng, chiếm 0,98%.
+ Ngân sách huyện: 2.972,5 triệu đồng, chiếm 1,1%.
+ Cấp xã huy động 63.755,5 triệu đồng, chiếm 24,3%.
+ Nhân dân đóng góp: 191,345,6 triệu đồng, chiếm 72,8%.
Ngoài ra, còn huy động được 6.495.496 ngày công để tu sửa và xây dựng công trình giao thông.
4. Cơ chế chính sách và các giải pháp tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong xây dựng giao thông nông thôn trong 3 năm (1995-1997).
Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các huyện đã quan tâm chỉ đạo phong trào giao thông nông thôn (GTNT) trong nhiều năm qua. Năm 1992 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành cơ chế chính sách phát triển giao thông miền núi. Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Hàng năm Bộ Giao thông Vận tải đã tổng kết rút kinh nghiệm, tuyên truyền, phổ biến các điển hình tiên tiến, đề ra nhiệm vụ, những giải pháp phát triển GTNT. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ giao thông các xã nắm bắt được những nội dung cơ bản về kỹ thuật, xây dựng cải tạo, nâng cấp đường, cầu cống, GTNT.
Nhờ thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân là chính, Nhà nước hỗ trợ" đã xác định được vai trò quan trọng của nhân dân trong công tác huy động vốn xây dựng GTNT.
Trong xây dựng GTNT công tác tổ chức đóng vai trò rất quan trọng. Các địa phương thành lập ban quản lý công trình do một cán bộ có uy tín và nhiều kinh nghiệm phụ trách, một số cán bộ giao thông, đại diện các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm quản lý xây dựng GTNT từ khâu chuẩn bị dự án, đấu thầu và giám sát thi công.
Tùy điều kiện kinh phí, vị trí địa lý, địa chất, thuỷ văn và kinh nghiệm của từng địa phương, ngành giao thông hướng dẫn áp dụng các giải pháp khoa học và kỹ thuật trong xây dựng đường GTNT như sau:
+ Đường liên xã: Tại những nơi có nền đường ổn định, thoát nước tốt và kinh phí cho phép xây dựng mặt đường bê tông xi măng hoặc mặt đường nhựa. Những nơi nền đường yếu, kinh phí hạn chế thì trước mắt dùng kết cấu đá thải, cấp phối, gạch vỡ làm lớp móng và mặt đường để đi lại ổn định rồi mới nâng cấp mặt đường cấp cao.
+ Đối với đường thôn, xóm và đường ra đồng: kết cấu bê tông xi măng.
5. Những yếu kém trong xây dựng giao thông nông thôn (GTNT).
Một số nơi cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa mạnh dạn phát động phong trào xây dựng GTNT, đường sá xuống cấp, đi lại khó khăn.
Việc huy động công lao động, huy động vốn đóng góp của nhân dân chưa có căn cứ pháp lý. Cá biệt có nơi chính quyền sợ dân phản ứng, sợ vi phạm chính sách và pháp luật của Nhà nước nên không huy động được lao động và vốn của nhân dân để xây dựng GTNT.
Nhiều xã huy động công lao động, vốn đầu tư xây dựng GTNT ồ ạt, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nợ vốn xây dựng của các công ty thi công. Một số xã quản lý nguồn kinh phí giao thông thiếu chặt chẽ, không minh bạch, gây nghi ngờ trong nhân dân, phát sinh khiếu kiện đông người.
Cán bộ giám sát thi công xây dựng ở một số xã thiếu kinh nghiệm, công tác quản lý và hướng dẫn kỹ thuật của cấp trên còn bất cập dẫn đến thất thoát kinh phí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.
Kinh phí đầu tư cho GTNT từ ngân sách nhà nước còn thấp, giải ngân chậm, thiếu minh bạch, làm cho việc xây dựng các công trình GTNT thêm khó khăn.
6. Đề xuất giải pháp cơ chế chính sách phục vụ xã hội hoá phát triển GTNT.
- Xây dựng qui hoạch tổng thể, từng vùng cho mạng lưới GTNT để việc đầu tư xây dựng GTNT có trọng điểm và hiệu quả, tránh lãng phí.
- Củng cố tổ chức quản lý GTNT từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
- Tăng cường công tác quản lý trước, trong và sau khi xây dựng công trình GTNT, nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình.
- Tổ chức khai thác có hiệu quả công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
- Nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều kinh phí hỗ trợ các địa phương xây dựng GTNT, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng kinh tế khó khăn.
- Cho phép các địa phương thu lệ phí hợp lý để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng và quản lý sửa chữa đường.
- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ giao thông cấp huyện, xã.