Chủ nhiệm dự án: T.S. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Công nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thanh Hà.
Thời gian thực hiện: Từ năm 2004 đến năm 2006.
Dự án được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp (SHCN) nói riêng cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền SHCN nhằm tạo động lực khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp trong hoạt động SHCN và hỗ trợ cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ của mình.
- Xác lập chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà, từng bước xây dựng, bảo vệ danh tiếng và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho đặc sản vải thiều Thanh Hà.
- Xây dựng phần mềm SHCN, tăng cường tiềm lực thông tin SHCN để phục vụ cho nhu cầu quản lý, nhu cầu khai thác thông tin của các doanh nghiệp.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Hiện trạng xác lập quyền SHCN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.1. Tiến hành điều tra, khảo sát 700 doanh nghiệp (DN) hoạt động theo các loại hình, xác định năng lực và hiện trạng xác lập quyền SHCN.
Trong số 700 doanh nghiệp được khảo sát, gồm 593 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bằng 85%. Trong đó, 266 công ty TNHH, 119 công ty cổ phần, 208 doanh nghiệp tư nhân. Trong khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiến hành khảo sát 109 doanh nghiệp, chiếm 15%. Trong đó, 9 doanh nghiệp nhà nước, 13 doanh nghiệp liên doanh, 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 44 hợp tác xã và 38 đơn vị thuộc các loại hình khác (trung tâm, làng nghề, các cơ sở kinh doanh ...). Ban chủ nhiệm dự án đã tổng hợp và đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp điều tra.
1.2. Năng lực và hiện trạng bảo hộ quyền SHCN của các doanh nghiệp.
- Về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm:
Trong 700 doanh nghiệp đã khảo sát chỉ có 19 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, 3 doanh nghiệp áp dụng ISO 14000, 4 doanh nghiệp áp dụng GMP, 9 doanh nghiệp áp dụng HACCP, 168 doanh nghiệp có bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm.
- Về chất lượng sản phẩm: có 43 doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, 137 doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và có 244 cơ sở có công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hoá ra các thị trường nước ngoài.
- Về hiện trạng bảo hộ quyền SHCN
Trong số 700 doanh nghiệp khảo sát có 61 doanh nghiệp (9%) đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với các đối tượng như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (79 nhãn hiệu, 12 kiểu dáng công nghiệp). Trong đó, 19 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 42 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.
Nhận thức về lĩnh vực SHCN của các đơn vị cũng còn thấp. Trong số 700 doanh nghiệp chỉ có 63 doanh nghiệp, bằng 9%, biết về các thủ tục về đăng ký bảo hộ quyền SHCN, 469 doanh nghiệp, đơn vị, bằng 67% doanh nghiệp, đơn vị, cho rằng việc xác lập quyền SHCN không ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Tình trạng xâm phạm quyền SHCN trên địa bàn tỉnh khá phổ biến, năm 2004 đã phát hiện và xử lý 224 vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền SHCN, năm 2005 phát hiện và xử lý 238 vụ. Phần lớn các vụ vi phạm nêu trên do các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Chỉ có 6 vụ là do doanh nghiệp chủ động phát hiện và đề nghị với cơ quan chức năng giải quyết.
Chỉ có 15% doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, 1,5% doanh nghiệp có kế hoạch phát triển thương hiệu. Trình độ thiết kế biểu tượng doanh nghiệp (logô) của hầu hết doanh nghiệp cơ sở còn yếu, chủ yếu thiết kế theo kiểu cổ truyền, không gây ấn tượng.
1.3. Về nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp.
Trong số 700 doanh nghiệp khảo sát chỉ có 283 doanh nghiệp, bằng 40,4%, đề nghị hỗ trợ kinh phí và thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu là nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
1.4. Về công tác quản lý hoạt động SHCN của tỉnh.
Trong những năm qua, công tác quản lý SHCN của tỉnh đã từng bước được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã ban hành được một số văn bản để thúc đẩy hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 19/7/2000 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý sở hữu công nghiệp, Quyết định số 2949/2002/QĐ-UB ngày 27/6/2002 về việc quy định một số biện pháp về quản lý các hoạt động SHCN trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 3799/QĐ-UB ngày 18/3/2003 về việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực SHCN. Bằng nhiều nguồn vốn, địa phương cũng đã tổ chức được các hoạt động tuyên truyền tập huấn về SHCN cho đội ngũ cán bộ quản lý và các doanh nghiệp trong tỉnh. Do vậy, trình độ nghiệp vụ của các cán bộ quản lý và nhận thức của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về SHCN đã đạt được những bước tiến nhất định. Hoạt động SHCN được doanh nghiệp và công chúng quan tâm, thực hiện.
2. Nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về SHCN.
Trong khuôn khổ dự án đã tổ chức được 17 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT cho 1.500 lượt người tham gia. Xây dựng được 8 phim phóng sự tuyên truyền về SHTT, 18 tin bài về hoạt động bảo hộ SHCN để đăng tải trên báo Hải Dương, 23 tin, bài phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, 5 tin bài đăng tải trên Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Tổ chức thành công 1 cuộc thi tuyên truyền về SHTT "Thắp sáng thương hiệu tỉnh Đông" dưới hình thức sân khấu hoá, phát tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Tổ chức biên soạn, xây dựng và xuất bản 350 cuốn Kỷ yếu các doanh nghiệp, tổ chức tỉnh Hải Dương với SHCN và Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để phát hành tới các doanh nghiệp và các Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền SHCN và quảng bá thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh
3.1. Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xác lập quyền SHCN.
a. Hỗ trợ gián tiếp.
Trong 3 năm, Ban chỉ đạo dự án và các cộng sự đã tư vấn, hướng dẫn được cho 202 doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ quyền SHCN (vượt 12% so với kế hoạch). Trong đó, hướng dẫn 170 DN về bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, 25 DN bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 5 DN bảo hộ về sáng chế và giải pháp hữu ích, 1 DN về dẫn bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 1 DN được tư vấn về thủ tục cấp li-xăng, 1 DN được tư vấn thực hiện các thủ tục khiếu nại về SHCN. Đồng thời, cung cấp thông tin, tra cứu sơ bộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho 120 đơn vị trước khi thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ (vượt 20% so với kế hoạch).
b. Hỗ trợ trực tiếp.
Hỗ trợ xác lập quyền cho 83 nhãn hiệu hàng hoá, 12 kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của 87 doanh nghiệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp nhà nước, 31 Công ty trách nhiệm hữu hạn, 24 Công ty cổ phần, 20 doanh nghiệp tư nhân, 4 Hợp tác xã, 1 Hiệp hội và 2 cơ sở sản xuất.
Nếu phân theo lĩnh vực sản xuất có 9 nhãn hiệu hàng hoá và 2 kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, 9 nhãn hiệu và 4 kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, 4 nhãn hiệu hàng hoá trong lĩnh vực may mặc, 20 nhãn hiệu hàng hoá trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, 2 nhãn hiệu hàng hoá trong lĩnh vực điện, điện tử, 13 nhãn hiệu hàng hoá và 4 kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, 13 nhãn hiệu hàng hoá và 1 kiểu dáng công nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.
4.2. Hỗ trợ quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo đề án phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu tại Hội chợ ASEAN, Hội chợ thương hiệu mạnh năm 2004. Hỗ trợ được cho 20 lượt doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá thương hiệu tại Hội chợ quốc tế thương hiệu nổi tiếng năm 2005 và năm 2006 với tổng số 21 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có uy tín của địa phương.
Trong số 20 lượt doanh nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá thương hiệu tại hội chợ thương hiệu nổi tiếng năm 2005 và năm 2006, Hải Dương có 8 doanh nghiệp tham gia đăng ký bình chọn danh hiệu thương hiệu nổi tiếng và thương hiệu có uy tín với người tiêu dùng. Kết quả tỉnh Hải Dương đã có: 3 thương hiệu được công nhận là thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng; 5 thương hiệu được công nhận là thương hiệu có uy tín với người tiêu dùng.
5. Xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Thanh Hà" cho đặc sản vải thiều Thanh Hà.
Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Cục SHTT, UBND huyện Thanh Hà tổ chức hội thảo xây dựng quy trình xác lập, sử dụng, quản lý, khai thác và phát triển quyền SHCN đối với đặc sản vải thiều và xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ''Thanh Hà'' cho sản phẩm vải thiều của huyện Thanh Hà.
6. Xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường tiềm lực thông tin cho hoạt động SHCN.
6.1. Xây dựng phần mềm SHCN.
Ban chỉ đạo đề án đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ phần mềm của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý SHCN phù hợp với đặc thù của tỉnh. Phần mềm được thiết kế, xây dựng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và có tính mở, đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý SHCN trên địa bàn tỉnh. Phần mềm quản lý SHCN đã được cài đặt trên mạng nội bộ của Sở để phục vụ cho công tác tra cứu thông tin về SHCN của các cơ quan và doanh nghiệp.
6.2. Cập nhật dữ liệu, tăng cường tiềm lực thông tin về SHCN.
- Đã cập nhật cơ sở dữ liệu về hiện trạng năng lực và nhu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp của 700 doanh nghiệp được khảo sát vào phần mềm quản lý.
- Cập nhật cơ sở dữ liệu về hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quản lý công nghệ vào phần mềm: 857 trang văn bản quản lý về sở hữu trí tuệ, 800 trang văn bản về quản lý công nghệ.