Năm 2012, ông Lê Đình Long và các cộng sự đã nghiên cứu đề tài khoa học "Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu GPS để quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương" đưa vào áp dụng tại Sở Giao thông vận tải nhằm quản lý hành trình của xe buýt trên các tuyến vận tải hành khách rất thành công. Phát huy những thành tựu về CNTT, để góp phần nâng cao hiệu quả, tính chính xác, giải phóng sức lao động nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng, trong 2 năm 2014, 2015, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương đề tài “ Xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đề tài tập trung nghiên cứu 3 nội dung: Phân tích hệ thống, xác định các yếu tố đầu vào; Xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; Xây dựng đường truyền WAN kết nối máy chủ từ Sở Giao thông vận tải với Ban Quản lý dự á giao thông.
Ngay trong năm 2014, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành phân tích, hệ thống lại toàn bộ các quy trình, yêu cấu pháp lý, điều kiện kỹ thuật, dữ liệu, công đoạn thực hiện trong một dự án; tổng hợp các mẫu văn bản, nghị định, luật liên quan cũng như các mẫu báo cáo cần có ứng với mỗi bước thực hiện. Thăm dò ý kiến các chuyên gia, cán bộ trực tiếp tham gia quản lý dự án về các khó khăn, bất cập khi thực hiện quản lý dự án thủ công, nắm bắt được mong muốn tin học hóa quy trình quản lý, các tính năng mong muốn, các tính năng bắt buộc phần mềm phải có. Tiến hành tổng hợp phân tích toàn bộ quá trình 1 dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, kết hợp với các ý kiến tổng hợp của các chuyên gia, những người tham ra quản lý trực tiếp, đề xuất ra các mô-đun cần thiết cho quá trình quản lý. Sau khi phân tích, hệ thống quá trình quản lý dự án là cơ sở để xây dựng phần mềm quản lý dự án. Xây dựng mối liên hệ giữa các mô-đun, thứ tự ưu tiên, tiến hành phân tích các chức năng cần có, chức năng nâng cao trong từng mô-đun.
Phần mềm quản lý dự án được thiết kế có 10 mô-đun, trong đó có 6 mô-đun trình tự quản lý dự án và 4 mô-đun quản lý, hỗ trợ công việc bao gồm: chuẩn bị đầu tư; thiết kế bản vẽ, thi công dự toán; lựa chọn nhà thầu; giải phóng mặt bằng; thi công xây lắp; quản lý công việc; quản lý danh mục; quản lý hệ thống; quản lý văn bản. Phần mềm đảm bảo thực hiện các chức năng: Quản lý và tra cứu văn bản, định nghĩa quy trình thực hiện, quản lý từng bước thực hiện, nghiệm thu, thống kê báo cáo.
Trong lĩnh vực quản lý dự án, việc quản lý thi công xây dựng công trình là phần việc khó khăn, phức tạp nhất với nhiều nội dung công việc. Ban quản lý dự án giao thông phải tổ chức các bộ phận kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thi công xây dựng của nhà thầu, kịp thời xử lý các vi phạm, kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công. Để giải quyết khó khăn này, phần mềm được tích hợp các chức năng để tổng hợp khối lượng thi công cho từng hạng mục, xác định các điểm Găng (điểm có tiến độ thi công dài nhất, khó khăn nhất) để giúp nhà quản lý có biện pháp thúc đẩy tiến độ thi công đảm bảo đúng kế hoạch; đồng thời xuất được các biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành phục vụ cho việc thanh toán khối lượng hoàn thành theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm còn cho phép trích xuất báo cáo nhanh theo tuần, theo tháng cho người quản lý, như: báo cáo tình hình công tác chuẩn bị đầu tư; tình hình quản lý thiết kế thi công dự toán; giải phóng mặt bằng; công tác lựa chọn nhà thầu; khối lượng thi công, tiến độ thi công; báo cáo thanh toán kinh phí…
Đến nay, hệ thống phần mềm được trang bị cho 28 cán bộ của ban Quản lý các dự án giao thông để cập nhật dữ liệu, kết xuất, kiểm tra tiến độ và được kết nối với máy chủ qua mạng diện rộng về Sở Giao thông vận tải. Đây được coi là công cụ quản lý chất lượng nội bộ, công cụ giám sát quá trình quản lý dự án sớm phát hiện, khắc phục và phòng ngừa những tác động xấu đến quá trình đầu tư xây dựng. Thông qua thực hiện đề tài góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị và có thể nhân rộng áp dụng trong phạm vi toàn quốc trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp nhận, sử dụng và vận hành phần mềm một cách hiệu quả; tổng hợp ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hơn nữa.
Nguyễn Thị Ánh