Với mục đích đưa khoa học công nghệ đến với người dân một cách nhanh chóng và đưa các kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả, Trung tâm Thông tin Khoa học công nghệ và Tin học (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện Dự án: "Xây dựng mô hình tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương" trong 2 năm 2012 và 2013.
Sau 02 năm thực hiện, Dự án đã triển khai mô hình tại 06 xã xây dựng nông thôn mới, gồm: xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), xã Tứ Cường (Thanh Miện), xã Đức Chính (Cẩm Giàng), xã Thanh Hải (Thanh Hà), xã Bình Xuyên (Bình Giang). Năm 2012, Ban chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với các cán bộ kỹ thuật và các kỹ sư công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Thông tin Khoa học, Công nghệ và Tin học trực tiếp khảo sát cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và hệ thống mạng LAN, mạng Internet tại các xã và vẽ lại sơ đồ hiện trạng về hạ tầng công nghệ thông tin để đưa ra các giải pháp xây dựng mới hệ thống mạng LAN cho từng xã. Ban Chủ nhiệm Dự án đã trang bị cho xã Tứ Cường, xã Cẩm Đoài, xã Hoàng Diệu mỗi xã 02 bộ máy vi tính cấu hình cao để phục vụ cho công tác truyền thông; thiết kế và hỗ trợ thiết bị, thi công lắp đặt và hoàn thiện hệ thống mạng LAN cho 03 xã Tứ Cường, Hoàng Diệu, Cẩm Đoài. Việc tăng cường công nghệ thông tin tại các xã đã tạo ra một sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất, phục vụ khai thác thông tin qua Internet một cánh nhanh chóng và hiệu quả.
Tại mỗi xã thực hiện mô hình, Ban Chủ nhiệm Dự án đã thành lập 06 tổ truyền thông thông tin khoa học công nghệ, làm đầu mối thực hiện việc tuyên truyền và cung cấp thông tin khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, các tổ truyền thông thông tin khoa học công nghệ đã triển khai việc thu thập thông tin và tuyên truyền phổ biến thông tin dưới nhiều hình thức như: qua hệ thống loa phát thanh của xã, qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, qua trao đổi trực tiếp...Tổ truyền thông thông tin của các xã đã khai thác triệt để phương tiện thông tin Đài phát thanh, đều đặn với thời lượng 10-15 phút/lần và chuyển được 880 tin, bài và các quy trình sản xuất nông nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, Tổ truyền thông thông tin hoạt động duy trì đều đặn, kỹ năng khai thác thông tin khoa học với người sản xuất, phương pháp truyền thông thông tin khoa học công nghệ tới cộng đồng thường xuyên hơn.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, chia sẻ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp và tăng cường nhân lực công nghệ thông tin, Ban Chủ nhiệm Dự án đã biên soạn tài liệu, tổ chức được 6 đợt tập huấn, hướng dẫn sử dụng Internet và thư điện tử cho 150 học viên; đào tạo chuyên sâu và cấp chứng chỉ tin học ứng dụng trình độ B cho 24 học viên là cán bộ 06 xã tham gia dự án.
Đồng thời, để việc cung cấp thông tin đáp ứng được yêu cầu sản xuất cũng như tiến độ thời vụ. Ban chủ nhiệm Dự án đã tổng hợp, biên soạn các thông tin sát với nhu cầu của các xã và cung cấp 600 quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tới các tổ truyền thông thông tin để tuyên truyền trên hệ thông truyền thanh, phát tài liệu và tuyên truyền thông qua các cuộc họp xã viên một cách kịp thời.
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm còn khảo sát tình hình chung, thu thập nhu cầu của người dân, thành lập tổ truyền thông thông tin và cung cấp thông tin khoa học phục vụ nông nghiệp tại 6 xã: Đồng Quang (Gia Lộc), Ngọc Liên (Cẩm Giàng), An Lâm (Nam Sách), Cổ Dũng (Kim Thành), Ái Quốc (thành phố Hải Dương), Hồng Thái (Ninh Giang).
Sau 2 năm thực hiện, Dự án triển khai không chỉ tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất và nhân lực công nghệ thông tin mà còn giúp bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật váo sản xuất nông nghiệp.Dự án thực sự trở thành nguồn khai thác thông tin quý giá cho người dân, bà con nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp làm cho năng suất, chất lượng các mùa vụ được tăng lên đáng kể. Lãnh đạo xã nắm bắt được nhu cầu thực tiễn về thông tin khoa học công nghệ ở địa phương và có phương hướng điều chỉnh phù hợp theo từng mùa vụ. Nói về hiệu quả Dự án, ông An Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Cường cho biết: Trước khi Dự án triển khai, đa số người dân trong xã còn sản xuất theo kinh nghiệm, nên năng suất lúa thấp. Dự án triển khai, bà con nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như Nàng xuân, Bắc thơm số 7, Bio 404... vào sản xuất, năm 2012 năng suất lúa cả năm đạt khoảng 120 tạ/ha. Đặc biệt, một số bà con nông dân còn liên hệ với tổ tuyên truyền xin thêm thông tin phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay tại các xã xây dựng mô hình điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ là cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin tại xã còn thiếu nên việc khai thác thông tin khoa học công nghệ qua mạng Internet chưa có hiệu quả; Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nên việc sao, in tài liệu về các quy trình kỹ thuật cho người dân khi họ muốn tìm hiểu còn hạn chế, phần lớn nông dân các xã chỉ nắm bắt các thông tin qua đài phát thanh, băng đĩa trong khi đó các cơ sở vật chất để trình chiếu phim khoa học còn thiếu do đó dẫn đến việc tiếp nhận và nắm bắt thông tin sâu sắc ở một số bộ phận nông dân còn thấp.
Từ thực tế sản xuất tại các xã tham gia Dự án cho thấy mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ có ý nghĩa thiết thực, là cầu nối, góp phần thúc đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Người nông dân được tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ổn định an ninh chính trị địa phương. Thời gian tới, Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân rộng triển khai mô hình tới tất cả các xã khác trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.
Hòa Thuận