Thông tin khoa học công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương

PGĐ Sở KHCN kiểm tra mô hình công nghệ thông tin tại xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng Từ năm 2012, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) bắt đầu triển khai dự án: "Xây dựng mô hình tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương". Việc triển khai mô hình là hướng đi thiết thực, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương.
Thông tin khoa học công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương
Thực hiện Dự án, năm 2012, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học đã triển khai tăng cường thiết bị công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho 3 xã. Tại 3 xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng), Tứ Cường (huyện Thanh Miện), Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học đã trang bị 02 máy vi tính/xã, các thiết bị phục vụ xây dựng hệ thống mạng LAN. Việc tăng cường công nghệ thông tin đã tạo ra một sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất phục vụ mô hình cung cấp thông tin. Số lượng máy vi tính đặt tại trụ sở UBND xã được tăng cường, góp phần khắc phục tình trạng 2-3 công chức xã sử dụng chung 1 máy vi tính phục vụ các hoạt động công quyền của UBND. Trước đây UBND các xã đa số máy vi tính cũ, cấu hình thấp, nay mỗi xã đều có 1 máy vi tính cấu hình tương đối cao, đặt ở Đài truyền thanh xã để lưu giữ dữ liệu khoa học công nghệ. Từ chỗ chỉ có 40% máy vi tính được kết nối mạng LAN và kết nối internet (do nguồn chi ngân sách xã không đủ), nay hệ thống mạng LAN được hoàn thiện với trên 20 đầu nút mạng/xã và hệ thống mạng internet được lắp đặt với 12 đầu máy vi tính/xã.
Để nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ của 3 xã phục vụ khai thác thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp, Ban chủ nhiệm dự án đã biên soạn tài liệu, tổ chức đào tạo nhanh cho 75 cán bộ, hướng dẫn sử dụng mạng nội bộ, khai thác sử dụng mạng Internet, truy cập vào một số chuyên trang về nông nghiệp như: haiduongdost.gov.vn/nongnghiep; vtc16.vn...), sử dụng hòm thư điện tử gmail trên google, cách lưu giữ thông tin. Ngoài ra dự án đã đào tạo tin học cấp chứng chỉ B cho 13 người của 3 xã. Vì thế, từ chỗ trước đây chỉ có 32% cán bộ các xã biết sử dụng máy vi tính và 28% cán bộ xã biết khai thác internet phục vụ cho công việc, nay đã có 69% cán bộ xã sử dụng thành thạo internet để tra cứu thông tin, chia sẻ và lưu giữ tài liệu qua thư điện tử.
Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, Ban chủ nhiệm dự án hướng dẫn UBND 3 xã trên thành lập tổ tuyên truyền thông tin khoa học, công nghệ, tập hợp các cán bộ xã liên quan trực tiếp đến công tác tuyên truyền thông tin. Sau khi thành lập vào tháng 4/2012, ba tổ tuyên truyền ở ba xã đã tiến hành thu thập nhu cầu thông tin dưới cơ sở. Cùng với 3 xã điểm, Ban chủ nhiệm Dự án cũng tiến hành cung cấp tài liệu về thông tin khoa học công nghệ cho 9 xã khác là: xã An Lâm, huyện Nam Sách; xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang; xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Tân Dân huyện Chí Linh, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ; xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương; xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn. Trong hoạt động tuyên truyền thông tin khoa học và công nghệ tới nhân dân tại các xã, Ban chủ nhiệm dự án đã tiếp nhận nhu cầu, tổng hợp, biên soạn các thông tin sát với nhu cầu của các xã và thường xuyên cung cấp cho tổ truyền thông các tài liệu dạng bản cứng, bản mềm, đĩa DVD, VCD để phục vụ bà con nông dân. Các tổ tuyên truyền thông tin tiếp nhận tài liệu kỹ thuật về khoa học và công nghệ từ Ban chủ nhiệm dự án rồi tổ chức chuyển tải lượng tin, bài đã tiếp nhận tới các hộ dân trong xã, thông qua các hình thức như: phát trực tiếp trên đài truyền thanh, phổ biến thông qua các buổi sinh hoạt tập huấn, phối hợp với tổ chức tập huấn và cung cấp trực tiếp cho người dân. Trong đó, hình thức truyên truyền trên Đài truyền thanh được các xã khai thác và sử dụng phổ biến, với tần suất 4 lần/tuần, thời lượng phát sóng 25-30 phút mỗi ngày tuyên truyền về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, làng nghề...
Xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) là 1 trong 3 xã điểm được chọn thực hiện dự án tăng cường cung cấp thông tin khoa học công nghệ năm 2012. Nói về hiệu quả cảu dự án này, ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: Việc tuyên truyền thông tin khoa học kỹ thuật về nông nghiệp qua hệ thống loa truyền thanh xã có hiệu quả cao hơn so với nhiều hình thức khác. Trước đây, người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật qua các buổi tập huấn của cán bộ khuyến nông, dù có hiệu quả nhưng không được thường xuyên. Từ khi có dự án, thông tin khoa học kỹ thuật được phát đều đặn hàng tuần, nhiều người cùng được tiếp nhận. Nhờ có khoa học kỹ thuật được thông tin kịp thời, nông dân Hoàng Diệu áp dụng vào sản xuất, cho thu nhập cao. Vụ đông 2012-2013, có những hộ nông dân thu nhập trên 100 triệu đồng, nhiều hộ thu nhập 70-100 triệu đồng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Là người trực tiếp làm công việc biên tập, xây dựng chương trình tuyên truyền khoa học kỹ thuật trên Đài truyền thanh, ông Vũ Văn Hường, Trưởng đài truyền thanh xã Tứ Cường (huyện Thanh Miện) cho biết: Do nông dân rất quan tâm đến thông tin về các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nên Đài truyền thanh xã thường xuyên phải chọn lọc, biên tập nội dung quy trình cho phù hợp với từng thời điểm mùa vụ ở địa phương. Vì thế, Đài truyền thanh xã lúc nào cũng cần thông tin các quy trình kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của bà con.
Theo đánh giá của các xã tham gia Dự án từ năm 2012 đến nay, bà con nông dân tại các địa phương luôn có nhu cầu được phổ biến các thông tin về khoa học, kỹ thuật sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thực tế cũng cho thấy mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ xuống các xã đã gặt hái được những thành công nhất định, góp phần tăng cường tiềm lực cả về cơ sở vật chất và nhân lực công nghệ thông tin ở các địa phương, đồng thời thay đổi nhận thức và bổ sung kiến thức khoa học công nghệ cho người dân. Chính vì vậy, việc duy trì mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ xuống các xã là rất cần thiết.
Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay tại các xã xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ là cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu nên việc khai thác thông tin khoa học công nghệ qua mạng Internet hiệu quả chưa cao. Việc sao, in tài liệu về các quy trình kỹ thuật cho người dân khi họ muốn tìm hiểu còn hạn chế, phần lớn nông dân các xã chỉ nắm bắt các thông tin qua đài phát thanh, băng đĩa trong khi đó các cơ sở vật chất để trình chiếu phim khoa học lại thiếu do vậy dẫn đến việc tiếp nhận và nắm bắt thông tin ở một số bộ phận nông dân còn thấp.
Để phát huy hiệu quả của mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ, các xã cần chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học công nghệ cho nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các xã cũng kiến nghị với các ban, ngành của tỉnh hỗ trợ một số thiết bị truyền thông, hỗ trợ kinh phí cho tổ, nhóm truyền thông thông tin tại cơ sở và đào tạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ truyền thông thông tin; đồng thời nhân rộng triển khai mô hình tại nhiều đia phương khác trên địa bàn tinh.
Anh Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây