Công nghệ đốt chất thải ngày càng được áp dụng rộng rãi nhờ ưu thế có thể giảm được từ 90 - 95 % thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi so với biện pháp chôn lấp.
Công nghệ này được quan tâm ngày càng nhiều tại TP. Hồ Chí Minh, nơi có nguồn chất thải rắn, chất thải nguy hại lớn nhất nước. Tuy nhiên các lò đốt đang được sử dụng tại thành phố thường có công suất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu cần tiêu hủy khối lượng chất thải ngày càng tăng trên địa bàn.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) đã ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tại TP. Hồ Chí Minh năm 2010 là 2.111.165 tấn chất thải rắn công nghiệp; trong đó có 333.738 tấn chất thải rắn nguy hại, 4.166 tấn chất thải y tế, 28.240 tấn dầu nhớt từ rửa, sửa chữa xe máy, 48.144 tấn bùn từ chế biến thực phẩm, 43.800 tấn bùn độc hại từ các ngành khác. Vào năm 2020, chất thải rắn công nghiệp của thành phố sẽ tăng lên 5.475.819 tấn, trong đó có 865.631 tấn chất thải nguy hại.
Kết quả nghiên cứu thành phần chất thải rắn công nghiệp của 15 ngành công nghiệp cho thấy chất thải từ ngành chế biến thực phẩm chiếm 31,4%, dệt nhuộm 12,8%, may mặc 2,7%, da 2%, giấy và bột giấy 12,2%, gỗ 5,6%, nhựa và cao su 6,4%, dầu khí 0,06%...Phần lớn chất thải từ các ngành này đều có thể cháy được (chiếm 73,16%). Trong số đó có 24,2% chất thải từ ngành giấy, nhựa, cao su, gỗ có thể tái sử dụng. Khối lượng chất thải có thể thiêu đốt còn lại khoảng 48,96% tổng khối lượng chất thải, tương đương 2.832 tấn/ngày năm 2010 và 7.345 tấn/ngày vào năm 2020.
Sử dụng nguồn nguyên liệu này như thế nào cho có lợi nhất, như kết hợp phát điện… đang là mối quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý.
Hiện nay, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại ở nước ta đang được thiêu đốt kết hợp trong các lò có sẵn như nồi hơi công nghiệp, nung gạch, gốm sứ, nung clanhke hoặc đốt một cấp hoặc đốt hai cấp trong các lò chuyên dụng công suất thấp, ghi lò tĩnh điện, nạp liệu thủ công. Ngoại trừ trường hợp đốt chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại Nhà máy Xi măng Holcim (Kiên Giang) có kiểm soát và được cấp phép, hầu hết các trường hợp đốt kết hợp còn lại đều chưa được phép của các cơ quan quản lý môi trường.
Hầu hết các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại như Tân Đức Thảo, Việt Úc, Môi trường Xanh, Sông Xanh… đều trang bị các lò đốt một hoặc hai bậc, công suất từ 0,5 tấn đến 4 tấn/ngày. Đa số các lò đốt này đều được chế tạo trong nước, nên chất lượng không ổn định, chưa có biện pháp tận dụng nhiệt. Các lò đốt này đều có thiết bị xử lý khí thải, nhưng do khó có thể đạt hoàn toàn quy chuẩn môi trường (nhất là khí Dioxin/Furan). Tro của các lò đốt chất thải nguy hại có thể chứa một số thành phần chất nguy hại, nhưng chưa được xử lý do chưa có bãi chôn lấp an toàn và phương pháp hóa rắn bằng xi măng chưa được áp dụng.
Khu xử lý chất thải công nghiệp Nam Sơn (Hà Nội) được trang bị lò đốt chất thải công nghiệp CEETEA - CN150 công suất 5 tấn/ngày. Năm 2010, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đầu tư tiếp một lò đốt rác công suất 10 tấn/ngày.
Trong khi đó, không ít Công ty nước ngoài đã giới thiệu công nghệ đốt chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại kết hợp phát điện tại thành phố Hồ Chí Minh. Có tới 4 Công ty của Singapo, Australia, Canada đưa ra dự án đốt chất thải rắn kết hợp phát điện; còn liên doanh giữa Công ty Đại Lâm và Entropic Energy - Mỹ đưa ra dự án xử lý rác bằng nhiệt phân.
Trong số này, có dự án của Công ty Fluid - Tech (Australia) đề xuất 100% vốn nước ngoài để xây dựng một nhà máy đốt chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt công suất 1.500 tấn/ngày kết hợp phát điện công suất 40 MW tại thành phố. Dự án này từng được UBND thành phố chấp thuận về chủ trương từ năm 2004, nhưng do một số nguyên nhân, dự án đã phải tạm dừng các thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư.
Như vậy, câu chuyện có thể đốt gần 50% chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn phải được các nhà khoa học, cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa, mới có thể biến một lượng chất thải khổng lồ thành sản phẩm hữu ích đồng thời với việc giảm thiểu đáng kể nguồn gây ô nhiễm.
TC Môi trường