Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều chủng loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm, nhưng tổng trữ lượng không phải là lớn. Với sức phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ được khai thác, tận dụng triệt để.Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ là một trong những nước phải nhập nhiều loại khoáng sản.
Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm khoáng sản của hơn 48 loại khoáng sản. Tuy nhiên, con số này không cho phép chúng ta lạc quan về sự phong phú, dồi dào của nguồn khoáng sản trong nước. Theo thống kê gần đây, các doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản tăng từ 427 doanh nghiệp năm 2000 lên 1.692 doanh nghiệp năm 2008. Ngoài ra, số lượng rất lớn các doanh nghiệp tư nhân, khai thác trái phép ở nhiều nơi không kiểm soát được.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1996 đến nay đã có gần 1.000 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có 571 giấy phép thăm dò, 353 giấy phép khai thác... Nhưng với sự phân cấp quản lý hiện nay, tại các địa phương, UBND các tỉnh đã cấp tới gần 5.000 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản.
Như vậy đồng nghĩa với gần 5.000 công trường ngày đêm khai thác khoáng sản từ trong lòng đất, trên mặt đất, dưới nước. Song song với nó là nhiều vấn đề phức tạp như ô nhiễm môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự, nhất là tổn hao và lãng phí tài nguyên khoáng sản do không được quản lý chặt chẽ.
Nhiều chuyên gia so sánh, cấp phép khai thác khoáng sản dễ dàng như cấp phép xây dựng sân gold thời gian qua. Thế nhưng, sân gold dù sao cũng còn có thể tái tạo, phục hồi được, nhưng tài nguyên khoáng sản mất đi thì không bao giờ có thể tái tạo.
Theo:Môi trường xanh, cập nhật 28/04