Hội thảo triển khai Kế hoạch khung Tổ chức xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015

 Sáng ngày 9/6, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương diễn ra Hội thảo triển khai Kế hoạch tổ chức xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015. Kế hoạch do UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt, Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Hải Dương là đơn vị thực hiện với sự hỗ trợ công nghệ của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội.
Hội thảo triển khai Kế hoạch khung Tổ chức xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015
Mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch; hướng dẫn nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học để rơm, rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp; huy động các tổ chức đoàn thể phối hợp với tổ chức khoa học vận động nông dân tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa để đến năm 2015 trên địa bàn Hải Dương không còn hiện tượng đốt hoặc xả bừa bãi rơm, rạ... Tổ chức xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu của đất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Kế hoạch được thực hiện trong 5 năm (2011-2015), với sự phối kết hợp của nhiều sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và UBND các huyện, thành phố, thị xã, xã, thị trấn trên toàn tỉnh Hải Dương. Dự kiến tổng kinh phí cho chương trình trong 5 năm của nhà nước và các hộ dân là gần 230 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Những hộ nông dân tham gia thực hiện đề tài sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí trong năm đầu tiên tham gia mô hình.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương khẳng định: Việc thực hiện Kế hoạch có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động kinh tế xã hội của Hải Dương; đồng thời đỏi hỏi sự phối hợp của các cấp các ngành trong việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào cuộc sống, góp phần giảm thiểu tác hại của việc đốt hoặc xả bừa bãi rơm, rạ đối với giao thông, môi trường và sức khoẻ của nhân dân.
                                                                                                   Anh Nguyên

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây