Khu vực nông thôn gia tăng ô nhiễm do chất thải rắn nguy hại

Nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam với 70% dân số đang chuyển mạnh sang cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn, trong đó trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. 
Khu vực nông thôn gia tăng ô nhiễm do chất thải rắn nguy hại
Cùng với sự chuyển biến tích cực về đời sống, xã hội, nông thôn nước ta vẫn còn bộc lộ những yếu kém về phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn là do chất thải rắn phát sinh từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động trồng trọt, nguồn thải từ phân bón và chăn nuôi, các làng nghề và rác thải sinh hoạt.
* Thực trạng đáng báo động
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính...Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt này đều là chất hữu cơ dễ phân hủy (có tỷ lệ chiếm tới 65% chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn), còn lại là các loại chất thải khó phân hủy như túi nilông, thủy tinh.... Ước tính lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày, tương đương với 6.600 tấn/năm.
Ngoài ra, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cũng thải ra môi trường nhiều loại chất thải rắn nguy hại. Tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, thiếu kiểm soát. Theo thống kê từ năm 2000 - 2005, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 35.000 - 37.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, riêng năm 2006 tăng lên 71.345 tấn, năm 2008 là 110.000 tấn.

Thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, chỉ tính riêng năm 2008 thải ra môi trường 11.000 tấn bao bì các loại. Lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80-90 kg/ha (cho lúa là 150 - 180 kg/ha) làm phát sinh bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại. Chưa kể chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi cũng làm cho môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Đặc biệt, chất thải rắn do các làng nghề chiếm một phần đáng kể trong nguồn phát sinh chất thải rắn nông thôn. Chất thải rắn làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau, phụ thuộc vào nhiều nguồn phát sinh, ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về thành phần như phế liệu từ chế biến lương thực, thực phẩm (nước thải, bã ngô, đậu, sắn), túi ni lông, chai lọ thủy tinh, nhựa, bao bì đựng nguyên vật liệu, cao su, gốm sứ, gỗ, kim loại.
Thống kê năm 2008 của Tổng cục Môi trường cho thấy, các làng nghề miền Bắc phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất, đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng, phát sinh khoảng 1-7 tấn/ngày gồm các chất thải chủ yếu là bụi kim loại, phôi, rỉ sắt. Riêng ở tỉnh Bắc Ninh, làng nghề đúc đồng Đại Bái mỗi năm thải ra 1.150 tấn chất thải rắn, trong đó chất thải rắn nguy hại chiếm 45%; làng nghề tái chế giấy Dương Ổ thải ra 4,5 tấn chất thải rắn/ngày; làng tái chế nhựa Trung Văn và Triều Khúc thải 1.123/tấn/năm. Các nhóm làng nghề khác như làng nghề may gia công, da giày cũng thải ra 2-5 tấn/ngày, chủ yếu là các loại chất thải rắn khó phân hủy.
* Những bất cập về quản lý và xử lý
Việc phân loại chất thải rắn nông thôn hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế. Các chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại nguồn, bị vứt bừa bãi ra môi trường. Một số nơi không quy định bãi tập trung rác, không có nhân viên thu gom rác. Lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương rất lớn và phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40-55%. Mới chỉ có trên 60% số thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ bao bì, hoá chất bảo vệ thực vật cũng được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện như Nghệ An,Tuyên Quang, Vĩnh Long. Song các biện pháp này được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng phuy chứa, không có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.

Nhiều địa phương chưa có hướng xử lý bao bì sau thu gom. Bên cạnh đó các loại rơm rạ không được thu gom mà đốt ngay tại ruộng gây khói mù, ô nhiễm không khí. Nhiều làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước. Các loại chất thải rắn nguy hại chưa được xử đúng quy cách, chôn lấp bừa bãi, khó phân hủy, gây tổn hại môi trường lâu dài. Việc quản lý chất thải rắn nông thôn chưa hiệu quả, xử lý chất thải rắn không hợp vệ sinh gây ra ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp rác thải, làm ảnh huởng sức khoẻ của cộng đồng dân cư, gia tăng gánh nặng bệnh tật, gây ra các xung đột môi trường tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, một số giải pháp đã đuợc đề xuất, áp dụng nhằm cải thiện môi trường nông thôn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn nông thôn, nhiều lỗ hổng và chồng chéo; thể chế chính sách về quản lý chất thải rắn chưa được thực thi triệt để; công tác huy động cộng đồng nông thôn tham gia quản lý chất thải rắn chưa được phát huy.
Để tiếp cận theo hướng giảm thiểu tối đa việc chôn lấp lượng rác thải rắn trong nông nghiệp, nông thôn và tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, cần áp dụng các mô hình xử lý hiệu quả. Hiện nay có thể dùng các phương pháp ủ, dùng men vi sinh xử lý phân chuồng trong chăn nuôi, làm giảm mùi hôi, tạo phân hữu cơ, vi sinh có tác dụng tốt cho đất và cây trồng. Phương pháp dùng hầm ủ Biogas, một loại khí đốt sinh học được tạo ra khi phân hủy phân thải của gia súc, khí này dùng phục vụ sinh hoạt trong gia đình, chất thải sau khi ủ có thể bón cây.
Phương pháp xử lý bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bằng các tác nhân ô xy hóa với các loại hóa chất xử lý như: NaOH, CaO, Fenton là những loại hóa chất sẵn có, giá thành rẻ, quá trình xử lý đơn giản. Tiến hành xử lý lượng bao bì trong bể thu gom trong vòng 5 ngày, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong bao bì được làm sạch, có thể phân loại, tái chế sử dụng, loại không sử dụng được, áp dụng công nghệ đốt tại các lò đạt tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp trên, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân nông thôn trong việc thu gom, xử lý hiệu quả chất thải rắn cũng cần phải đẩy mạnh.
Nhà nước phải có những chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý chất thải rắn. Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn. Dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn ở từng địa phương, để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Theo monre.gov.vn

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây