Mối nguy từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn tấn vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do người dân vứt bừa bãi ra môi trường. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây tác động xấu tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng.
Mối nguy từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Nhu cầu dùng thuốc BVTV tăng

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV ngày càng tràn lan và khó kiểm soát. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng từ 35.000- 100.000 tấn hóa chất BVTV.

Thông thường, bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tương đương hơn chục nghìn tấn/năm. Chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng cho lúa (bình quân 150 - 180kg/ha) cũng đã phát sinh rất nhiều bao bì, túi đựng. Với tổng lượng phân bón vô cơ các loại khoảng 2,4 triệu tấn/năm thì lượng rác thải rắn xả ra môi trường vào khoảng 240 tấn/năm, gồm bao bì, vỏ hộp thuốc các loại.

Theo kết quả điều tra của Chi cục BVTV An Giang, trong 10 năm qua, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tăng gấp 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng lên 4,5 lần nhưng ý thức sử dụng thuốc BVTV an toàn thì không tăng thêm phần nào. Trong khi đó, việc xử lý vỏ bao bì chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh cũng như nông dân quan tâm.

Tại An Giang, một trong những nơi gieo cấy nhiều lúa nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng bà con bỏ lại môi trường, chỉ khoảng 10% được bán cho ve chai, 20% thu gom lại và đốt bỏ, 5% sử dụng phương pháp chôn lấp. Điều này đã làm môi trường ngày càng ô nhiễm.

Tại Phú Yên, tuy chưa có thống kê chính thức về việc xả thải bao bì đựng hóa chất, thuốc BVTV ra môi trường nhưng chỉ cần làm một phép tính đơn giản là tỉnh có trên 72.000ha đất nông nghiệp, hàng năm phải dùng hàng trăm loại thuốc BVTV thì lượng chai, túi đựng thuốc được vứt ra đồng ruộng, vườn tược nhiều đến mức nào.

Cần quan tâm xử lý

 

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng năm có trên 5.000 trường hợp bị nhiễm độc thuốc BVTV, trong đó có trên 300 người tử vong.
Hiện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 55%; mới có trên 60% số thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ bao bì, hoá chất BVTV được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện như Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Long..., song mới được áp dụng ở quy mô nhỏ.

 

Theo ông Lương Trác Kiềm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc (Hưng Yên), trong nhiều năm qua, công ty đã ký hợp đồng với nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng trồng các loại cây ăn quả, diện tích lên tới hàng nghìn hecta. Hàng năm, công ty phải cung cấp cho bà con nhiều phân bón cũng như thuốc BVTV các loại.

"Tận mắt chứng kiến lượng rác thải không nhỏ xả ra đồng ruộng mỗi vụ, tôi cho rằng, giải pháp trước mắt là, chúng ta cần xây dựng mô hình thu gom và phân loại chất thải tại hộ gia đình; khuyến cáo nông dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất và thuốc BVTV. Mặt khác, Nhà nước cũng cần tăng cường quản lý việc cung ứng, bảo quản, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV từ Trung ương tới địa phương, đồng thời xã hội hóa công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trong nông nghiệp", ông Kiềm nói.

Đặc biệt, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ cụ thể cho các địa phương áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý chất thải rắn; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong xây dựng quy hoạch và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn. Đi kèm với đó là tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tích cực sử dụng biện pháp sinh học, vật lý, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm lệ thuộc vào thuốc hóa học, nếu sử dụng thì phải theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách).

Theo KTNT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây