Giống lúa N20 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần chọn tạo; có thời gian sinh trưởng vụ mùa 110-115 ngày, vụ xuân muộn 135-140 ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh khá (đặc biệt là rầy nâu và bạc lá). Năng suất đạt 60-63 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 65 tạ/ha.
Vụ xuân 2014, HTX Hà Kỳ đã triển khai gieo cấy theo lịch thời vụ chung của toàn huyện: gieo mạ ngày 25/01/2014, cấy ngày 05/02/2014. Cán bộ thực hiện đề tài thường xuyên thăm đồng ruộng, hướng dẫn nông dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật: mật độ cấy 45-50 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm; bón phân theo tỉ lệ cân đối: 500 kg phân vi sinh, 120kg N, 100 kg P2O5 , 90 K2O cho 1 ha.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bừng, thôn Đại Hà, xã Hà Kỳ gieo cấy 5 sào lúa N20 trong vụ xuân năm nay. Bà Bừng cho biết: Trong khi các giống khác như Bắc thơm, Hương thơm, HYT8, TBR45 chỉ đạt 1,8-2 tạ/sào thì năng suất của giống lúa N20 ở chân vàn đạt 2,5 tạ/sào, còn ở chân đất chua đạt tới 2,7 tạ/sào. Nếu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ đề tài hướng dẫn thì ruộng cấy lúa N20 còn giảm được từ 1-2 lần phun thuốc trừ sâu bệnh hại. Vụ sau tôi vẫn gieo cấy 5 sào giống lúa này.
Ông Nguyễn Văn Cooc – Phó Chủ tịch xã Hà Kỳ cho biết: Hà Kỳ là một vùng đất chiêm trũng của huyện Tứ Kỳ, nông dân cấy lúa là chủ yếu, với diện tích gieo cấy trên 480 ha. Vụ xuân năm 2014, xã đã thực hiện mô hình gieo cấy giống lúa N20 trên diện tích 15 ha, với 144 hộ dân tham gia. Qua thực tế, giống lúa N20 có khả năng chịu rét tốt, phát triển khá, đặc biệt là có khả năng kháng được bệnh bạc lá và đạo ôn, rầy nâu. Bông lúa dài, to, hạt thóc mẩy, ít bị lép nên năng suất đạt cao, trung bình từ 2,5-2,7 tạ/sào. Đây là giống lúa cho năng suất cao nhất ở xã hà Kỳ vụ xuân năm nay. Vì thế, chúng tôi tiếp tục gieo cấy và mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật và Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), N20 là giống lúa có năng suất cao, khả năng kháng rầy nâu tốt, kháng khá bệnh bạ lá và nhiễm nhẹ với bệnh khô vằn. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, khi nông dân phải đối mặt với thực trạng phun trừ rầy nâu, bạc lá rất tốn kém, thì giống lúa N20 là một giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Vì thế, tuy giống lúa N20 chưa được công nhận chính thức nhưng vẫn được nhiều địa phương lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn thực tế. Ông Nguyễn Văn Vóc – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định: giống lúa N20 có một số đặc điểm nổi bật như: năng suất và chất lượng khá, chống chịu rầy nâu và bệnh bạc lá tốt hơn so với một số giống lúa khác như Bắc thơm số 7, Q5, KD18. Sau khi tiếp tục chọn thuần, đánh giá thêm trong vụ mùa 2014 cho kết quả khả quan, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng sản xuất, làm hồ sơ đề nghị công nhận giống chính thức.
Anh Nguyên