Phục tráng và phát triển thành công giống lạc đỏ 3 nhân truyền thống của huyện Tứ Kỳ

Với mục tiêu phục tráng giống lạc đỏ 3 nhân, duy trì giống chất lượng, sạch sâu bệnh, từ năm 2012-2014, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa bàn tỉnh Hải Dương. Đề tài do KS. Lê Thị Bảy, Phó giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm.

Giống lạc đỏ 3 nhân là giống bản địa của huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) được trồng nhiều ở các xã khu hạ của huyện Tứ Kỳ như: Hà Thanh, Hà Kỳ, Nguyên Giáp, Phượng Kỳ và một số vùng lân cận thuộc tỉnh Thái Bình. Đây là giống lạc quý hiếm với những đặc tính nông học tốt như: vỏ quả mỏng tỷ lệ nhân/quả cao, vỏ hạt dày nên thời gian bảo quản được lâu, chất lượng ăn ngon, phù hợp với thị yếu tiêu dùng và khả năng phát triển vùng sản xuất hàng hoá. Do giống được lưu truyền, nông dân tự để giống bằng kinh nghiệm dân gian nên đến nay giống đã bị thoái hoá: quả nhỏ, quả không tập trung, tỷ lệ quả 3 hạt giảm, năng suất thấp 14 – 17 tạ/ha, mức độ nhiễm sâu bệnh nặng đặc biệt là bệnh héo xanh.

Trong 2 năm 2012, 2013, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, phục tráng và sản xuất giống lạc đỏ 3 nhân nguyên chủng. Từ 32 kg giống lạc địa phương làm vật liệu khởi đầu, vụ xuân năm 2012, ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn được 150 dòng G0 để tiếp tục nghiên cứu trong vụ thu đông năm 2012. Vụ thu đông năm 2012, gieo trồng 150 dòng G1 và lựa chọn được 37 dòng G1 để tiếp tục nghiên cứu trong vụ xuân năm 2013. Vụ xuân 2013 nhân 37 dòng G2 để sản xuất ra giống siêu nguyên chủng. Vụ thu đông năm 2013, Trung tâm khảo nghiệm đã sản xuất giống lạc đỏ 3 nhân với diện tích 20 sào và đượcTrung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia chứng nhận: Giống nguyên chủng đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Từ kết quả trên, vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng xây dựng mô hình trình diễn giống lạc đỏ 3 nhân tại xã Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ) và xã Duy Tân (huyện Kinh Môn) với diện tích 10 ha. Lạc giống nguyên chủng do Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng cấp phát cho các hộ nông dân, được gieo từ ngày 23-26/2/2014. Các hộ trồng lạc áp dụng quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng  chuyển giao, lượng phân bón cho mỗi sào gồm: 20 kg lân, 3 kg đạm u rê, 3 kg kali clorua và 20 kg vôi bột; bón phân 3 lần kết hợp với vun xới, làm cỏ cho cây.

Qua theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của giống lạc đỏ 3 nhân cho thấy: Cây lạc phát triển tốt, chiều cao trung bình đạt 42,8 cm; nhiễm nhẹ một số bệnh hại so với giống lạc cũ tại địa phương, cụ thể là: bệnh thối đen cổ rễ giảm 4,2%, bệnh thối trắng thân giảm 9,4%, bệnh héo xanh giảm 1,6%.

Về năng suất: Tại xã Duy Tân (huyện Kinh Môn), lạc đỏ 3 nhân có số quả chắc trung bình đạt 10 quả/cây; tỷ lệ quả từ 3-4 hạt đạt gần 70%; năng suất quả tươi đạt trên 48 tạ/ha, năng suất quả khô đạt trên 26 tạ/ha. Năng suất này cao hơn so với giống đối chứng là TH116.

Tại xã Nguyên Giáp (huyện tứ Kỳ), do điều kiện đất đai và chăm sóc tốt hơn nên lạc đỏ 3 nhân có số quả chắc trung bình đạt 15 quả/cây; tỷ lệ quả từ 3-4 hạt đạt trên 73%; năng suất quả tươi đạt 55,6 tạ/ha, năng suất quả khô đạt 30,6 tạ/ha. So với giống lạc đỏ địa phương chưa phục tráng, năng suất của mô hình đã tăng thêm 25%.

Ông Bùi Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTXDVNN Nguyên Giáp cho biết: Trước đây, nông dân xã Nguyên Giáp trồng các giống lạc 2 nhân, lạc Thái Bình là chủ yếu, cây lạc dễ bị thoái hóa, nứt củ, thối thân, nảy mầm, tỉ lệ quả lép và non nhiều nên năng suất không cao. Năm nay Trung tâm Khảo nghiệm đưa giống lạc mới được phục tráng về đồng đất Nguyên Giáp đã có những thay đổi lớn: quả chín đều, ít bị lép, năng suất tăng và giá bán cũng cao hơn. Hiện nông dân bán tại ruộng là 18.000 đồng/kg, mỗi sào cũng cho thu nhập trên 3 triệu đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng giống lạc này.

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây