Hiện nay hành, tỏi là một trong ba loại sản phẩm giữ vai trò chính trong mặt hàng gia vị xuất khẩu của Việt Nam với sản lượng lên tới 2000 tấn/năm. Hải Dương có diện tích trồng hành, tỏi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, với diện tích hơn 5100 ha, tổng sản lượng hơn 51 nghìn tấn. Tuy nhiên thiệt hại từ bệnh thối nhũn gây ra làm thiệt hại từ 5 đến 50% cho qúa trình sản xuất và bảo quản. Đặc biệt là các cơ quan liên quan và địa phương chưa có giải pháp phòng chống. Hằng năm năng suất hành tỏi liên tục tăng nhưng sản lượng hành, tỏi xuất khẩu đang ngày càng có xu hướng ngày một giảm. Một trong những nguyên nhân đó là quá trình bảo quản nông sản không đúng quy trình kỹ thuật. Trước vấn đề đó, Viện Bảo vệ thực vật đã tiến hành điều tra, nghiên cứu giám định thành phần bệnh, triệu chứng thối và các biện pháp bảo quản hành, tỏi trong nông hộ tại 3 địa điểm: Viện bảo vệ thực vật, Hợp tác xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) và Hợp tác xã Nam Trung (Nam Sách). Qua điều tra Viện đã xác định được 6 loại bệnh gây hại trên hành và 4 loại nấm gây hại hại trên tỏi là nguyên nhân làm giảm năng suất chất lượng thương phẩm hành tỏi sau thu hoạch. Viện đã dùng thuốc Balatcide 32 WP, Kocide 53.8 DF đã đem lại hiệu quả phòng trừ bệnh cao. Sau 5 tháng bảo quản tỷ lệ hành bị bệnh thối nhũn ở hành giảm 3 - 5% và ở tỏi giảm từ 3,5 đến 5,5% so với đối chứng.
Với những kết quả đó, Viện Bảo vệ thực vật đang đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương cho phép nhân rộng mô hình thử nghiệm để khuyến cáo cho các nông hộ sử dụng thuốc dùng bảo quản trong phục vụ sản xuất hành, tỏi hiện nay.
Phạm Ninh Hải, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương