Giá dầu và khí cao đã buộc các nước phát triển trên thế giới phải tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế. Thế giới đã sử dụng năng lượng hạt nhân, thuỷ triều và gió để sinh ra điện năng, mặc dù chưa thể biến hàng tỷ chiếc ô tô trên thế giới đều dùng điện thay xăng. Ô tô hoặc thiết bị nông nghiệp động cơ điện có lẽ cũng chỉ có thể dùng ở thành phố, mà không thể vận chuyển trên những quãng đường quá dài hoặc vào những công việc canh tác đại trà.
Nhiên liệu thay thế dựa trên etanol, sản xuất từ ngô hoặc mía không giải quyểt được vấn đề vì để tạo ra 1 lit etanol cũng đòi hỏi một lượng hydrrocacbon thô tương đương.
Hiện nay, người ta hy vọng có thể giải quyết vấn đề nhờ các vi nấm ký sinh sống trong gỗ để bẻ gãy liên kết hoá học (phân huỷ) xenlulôzơ nhằm tạo ra một hỗn hợp hydrocacbon. Xenlulozơ của gỗ có triển vọng nhất trong việc sản xuất nhiên liệu, nhưng cấu tạo bền của nó rất khó phân huỷ, nên cần các enzym đặc biệt cho quá trình.
Các nhà khoa học đã phát hiện nấm Gliocladium roseum thường sống ký sinh trên những cây có tên khoa học là eucryphia mọc thành bụi ở Nam Phi có thể đáp ứng yêu cầu này. Khi phân huỷ xenlulôzơ, nấm sản xuất ra những hydrocacbon như decan, 4-metylxyclohexan, undecan, octan và benzen. Những hợp chất hoá học trong hỗn hợp này có thành phần rất giống dầu diesel và chắc chắn có thể thay thế rất tốt dầu diesel dùng làm nhiên liệu.
Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Montana (Hoa Kỳ), những người phát hiện ra điều này thừa nhận lượng sản phẩm ít ỏi do nấm tạo ra hiện không đủ để chạy dù chỉ một chiếc máy kéo. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó không phải là sử dụng nấm trực tiếp mà sẽ tiến hành phân tích để tìm ra các gen di truyền có khả năng phân huỷ xenlulôzơ thành dầu và cấy ghép các gen này vào các vi sinh vật mới có thể sản xuất ra dầu diesel từ gỗ có sản lượng công nghiệp.
Tuấn Hà đăng trên Vietnamnet (Theo Pravda.ru)