Xử lý môi trường ao nuôi thuỷ sản trong mùa mưa bão

Thời vụ nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thường từ tháng 4 đến tháng 12 trong năm. Tháng thứ 5, thứ 6 của chu kỳ nuôi (tức tháng 7, tháng 8 dương lịch) cá sinh trưởng và phát triển nhanh, lượng thức ăn cho cá nhiều thường là nguyên nhân làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Đồng thời giai đoạn này thường xảy ra mưa to do ảnh hưởng của các cơn bão. Cá rô phi đơn tính có hiện tượng nổi đầu, cá ăn kém, dễ phát sinh dịch bệnh.
Để khắc phục hiện tượng trên, người nuôi cá cần làm tốt một số biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường ao nuôi như sau:

- Định kỳ hàng tháng và sau các trận mưa đều tiến hành bón vôi cho các ao nuôi theo liều lượng qui định. Bón vôi định kỳ được coi là yếu tố kỹ thuật bắt buộc, nhằm điều chỉnh độ pH và vệ sinh môi trường ao nuôi.

- Thường xuyên thay nước ao nuôi, 1 tháng 1 lần khoảng 1/3 lượng nước ao, thay bằng nguồn nước sạch, có độ pH đảm bảo.

- Định kỳ 1,5 tháng xử lý chế phẩm EM thứ cấp 1 lần, liều lượng 5 lít/1 sào ao, ngoài ra còn xử lý đột xuất khi ao có hiện tượng ô nhiễm, cá nổi đầu. Chế phẩm EM giúp môi trường ao nuôi ổn định, cá không bị nổi đầu.

- Xử lý độ chua phèn sau khi mưa: Do ảnh hưởng của đất bị chua phèn, nên sau mỗi trận mưa, chua phèn phân giã từ đất vườn và bờ ao chảy xuống làm nước ao chua, độ pH giảm đột ngột.

Biện pháp xử lý:

+ Cách 1: Dùng bạt phủ kín quanh bờ ao và từ đáy ao lên mặt bờ ngăn không cho nước mưa thấm qua bờ tràn xuống ao.

+ Cách 2: Đào rãnh quanh bờ hoặc đắp con trạch trên mặt bờ ao để ngăn nước mưa chảy trực tiếp xuống ao.

Thường xuyên dùng hộp giấy chỉ thị màu đo pH. Độ pH thích hợp cho cá sinh trưởng và phát triển là từ 6,5 – 8,0, nếu ngoài ngưỡng cho phép thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.

KS. Vũ Văn Tân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây