Những tính trạng đặc trưng của giống (thân, lá, quả, hạt ...): quả dài, nặng 3- 4kg, vỏ đen có sọc mờ, mỏng, ruột chắc - đỏ đẹp.
- Thời gian sinh trưởng: 55 - 60 ngày sau gieo.
- Năng suất: 25 - 30 tấn/ha.
- Chất lượng: rất ngon, ngọt.
- Chống chịu sâu bệnh hại: tốt.
- Chống chịu ngoại cảnh đặc biệt (hạn, úng, phèn, mặn ...): tốt.
c. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
- Vùng/đất gieo trồng: Trồng được trên nhiều vùng đất. Đất trồng dưa hấu cần cao ráo, bằng phẳng. Có điều kiện tưới nước (tưới chảy rãnh) và tiêu thoát úng tốt. Đất thoáng không cớm rợp. Không luân canh nhiều vụ dưa hấu hoặc các cây thuộc họ bầu bí. Có thể trồng dưa hấu trên các chân đất khác nhau, từ đất cát pha đến đất thịt nặng.
- Mùa vụ: Thích hợp mọi thời vụ. Thời vụ gieo tháng 10, 11, 12 hoặc tháng 1 - 5. Có thể gieo thẳng hoặc gieo bầu.
+ Gieo bằng bầu: Dùng đất trộn 1% phân lân và 10% phân chuồng hoại mục, làm bầu bằng lá chuối hoặc bao nylon, kích thước 5 x 10 cm hoặc khay nhựa. Bỏ hạt nằm ngang, sâu khoảng 1 cm. Dự trù 15% bầu cây con để trồng dặm và thay thế cây yếu, bị chết.
+ Gieo thẳng: Gieo trực tiếp lên luống trồng, gieo 1 hạt vào 1 lỗ. Sau khi gieo hạt, lấp đất, nên rải Basudin 1 lộ chừng 10 hạt để phòng ngừa kiến, dế. Dự trù 15% bầu cây con để trồng dặm.
Mật độ trồng 6.000 - 8.000 cây/ha, làm luống kép thì rộng 5 - 5,5 m, trồng 2 hàng, luống đơn thì rộng 3m, trồng 1 hàng, cây cách cây 50 - 60 cm.
- Phân bón cho 1 sào bắc bộ: Bón lót: 8 tạ - 1 tấn phân chuồng hoai mục + 7 - 8 kg NPK 16-16-8 hoặc không có phân chuồng thì có thể bón 35 kg vi sinh Sông Gianh + 10 - 15 kg lân + 3,5 kg KCL + 18 kg NPK 16-16-8. Bón thúc 1: Khoảng 20 - 25 ngày sau trồng (khi cây bắt đầu bò). Bón táp luống 18 kg NPK 16-16-8 + 8 kg KCL. Bón thúc 2: Khi nụ hoa cái thứ 1 nở (bón thúc nụ). Tưới rãnh: 3 kg NPK 16-16-8. Bón thúc 3: Quả bằng nắm tay sau khi tuyển trái. Tưới rãnh: 4 -5 kg NPK + 1,5 kg Kali. Bón thúc 4: Quả khoảng 1 - 1,5 kg. Tưới rãnh: 4 -5 kg NPK + 1,5 kg Kali. Trước khi thu hoạch 5 ngày tưới thêm 1 - 1,5 kg KCL và cắt nước.
Lưu ý: Có thể tưới bổ sung khi cây còn nhỏ: 0,3 kg Urê + 0,5 kg lân cho 360m2. Các lần thúc 2 - 3 - 4 cách nhau 4 ngày 1 lần.
Dưa chịu hạn sợ úng. Tuỳ độ ẩm của đất và thời kỳ sinh trưởng mà tưới từ trước khi ra hoa đến khi trái định hình, rồi ngưng tưới 5 ngày để tăng độ ngon ngọt của dưa trước khi thu hoạch. Ở giai đoạn cây cần nhiều nước là giai đoạn lúc trổ hoa, nuôi trái, nên tưới đủ nước cho cây. Tưới nước nên kết hợp với phủ rơm rạ, cỏ khô cho luống dưa đủ ẩm.
Khi cây có 5 lá thật, tiến hành bấm ngọn, để 1 dây chính và 1 dây chèo. Đồng thời dùng lạt tre cắm cố định cho dưa khỏi lung lay. Khi dưa ngả ngọn, hướng cho dây bò vuông góc với mặt luống, cố định dây bằng lạt tre.
Chọn trái ở vị trí thứ 2 trên dây chèo, trái đều, cuống dai, nhiều lông tơ mướt.
Thụ phấn bổ sung: Buổi sáng từ 6 giờ đến 9 giờ là thời gian tốt nhất cho việc úp nụ. Dùng hoa đực úp vào nhuỵ cái cho phấn hoa đực dính vào nhuỵ cái.
Tuyển trái: Để lại 1 - 2 trái/ 1 gốc. Sau khi tuyển trái cắt ngọn (trên dây chèo để 5 - 6 lá sau quả). Kê quả để quả lớn đều, màu vỏ đẹp, ít sâu bệnh.
Chú ý một số loại sâu bệnh hại dưa để phòng trừ kịp thời như: Bọ trĩ, Sâu khoang, sâu xanh da lá, Các loại bọ dưa, nhện đỏ, rầy mền, Bệnh cháy dây, Bệnh thối rễ heo dây, Bệnh sương mai, Bệnh thán thư ...
2. Giống cà chua lai VT3
a. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện cây lương thực - Cây thực phẩm.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống cà chua lai VT3 có nguồn gốc từ tổ hợp lai ưu tú 15 x VX3.
b. Những đặc tính chủ yếu
- Giống có thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày.
- Giống sinh trưởng, phát triển khoẻ, dạng hình sinh trưởng bán hữu hạn, thân lá có mầu xanh đậm. Quả đẹp, hình tròn, cùi dày, khi chín quả có màu đỏ thẫm, hấp dẫn, độ brix 4,6%, thích hợp cho ăn tươi. Năng suất ở vụ Đông sớm 43,4 tấn/ha, vụ Đông chính vụ đạt 60 tấn/ha và vụ hè đạt 30,6 tấn.
- Chống chịu bệnh sương mai, héo xanh vi khuẩn, virut khá.
c. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
- Mùa vụ: Vụ xuân hè gieo hạt từ 15/01 - 5/02, vụ Đông sớm gieo hạt từ 15/8 - 5/9, vụ Đông chính vụ gieo hạt từ 15/9 - 15/10.
- Mật độ, khoảng cách: Trồng khi cây con 5 - 6 lá thật (25 - 30 ngày tuổi), luống rộng 1,5 - 1,7m cả rãnh; trồng 2 hàng, mật độ 28.000 - 30.000 cây/ha với khoảng cách 70 x 40- 45 cm. Tốt nhất nên trồng cây vào buổi chiều hoặc những ngày dâm mát. Không trồng cây trực tiếp vào chỗ có phân, đặt cây con cạnh hốc phân, trồng cho cây đứng thẳng.
- Lượng phân bón cho 1 ha: 25 - 30 tấn phân hữu cơ, 250 - 300 kg urê, 500 - 600 kg super lân, 250 - 280 kg kali và có thể bổ sung vôi bột nếu PH của đất nhỏ hơn 5.
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, lân, vôi bột vào rạch, đảo đều với đất, lấp đất trước khi trồng 2-3 ngày.
- Bón thúc lần 1: Sau trồng 10 - 15 ngày, bón 1/4 đạm + 1/4 kali.
- Bón thúc lần 2: Sau trồng 30 - 35 ngày, bón 1/2 đạm + 1/2 kali.
- Bón thúc lần 3: Sau khi thu quả lần đầu, bón hết số phân còn lại.
Khi bón phân đợt 1 có thể hoà loãng phân trong nước rồi tưới cho cây, các đợt sau tốt nhất bón theo hốc, xa gốc cây khoảng 10 cm rồi phủ kín đất.
Các lưu ý trong gieo trồng chăm sóc: Cà chua cần phải trải qua giai đoạn cây con trong vườn ươm để đảm bảo đủ số lượng cây và các yếu tố khác, do vậy để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu tăng độ đồng đều và tỷ lệ cây khoẻ, cần sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có khoảng 40 - 75 hốc/khay, khoảng cách giữa các cây con khoảng 4 - 5 cm, nếu không có khay thì có thể gieo theo phương pháp truyền thống. Làm giàn che cho vườn ươm (nhất là ở vụ Đông sớm) cao khoảng 0,5 m lợp bằng phên cót, giàn phải chắc chắn, tránh đổ khi mưa bão. Chỉ che mặt luống khi có nắng hoặc mưa to. Trước khi trồng cần ngừng hoặc hạn chế tưới nước khoảng 5-7 ngày, tuy nhiên cần tưới ẩm cho cây trước khi nhổ 5-7 giờ để tránh đứt rễ. Sau khi nhổ xong cần nhúng bộ rễ của cây vào trong dung dịch Benlat C pha loãng để diệt nấm bệnh khi đem trồng. Nhúng cả bó ngọn cây giống vào nước sạch trước khi trồng để cây được tươi lâu hơn và không bị héo khi trồng, đặc biệt vào các ngày nắng nóng.
Nên bố trí ở vùng chuyên canh rau có khả năng thâm canh, trên chân đất cát pha hoặc thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển luôn giữ ẩm cho cây, nhất là ở giai đoạn đầu và giai đoạn ra hoa kết quả, có thể dùng biện pháp tưới rãnh để giữ ẩm (chú ý không để nước đọng lại trong rãnh sau khi tưới). Phòng trừ sâu bệnh định kỳ 7 - 10 ngày/lần, cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM cho cà chua (hoạc phun Boocđô 1%), chú ý một số loại sâu bệnh như: Sâu đục quả, giòi đục lá, bọ trĩ, rệp, bọ phấn, bệnh sương mai, virus, héo xanh vi khuẩn, đốm lá, thối chảy nhựa thân cành, thối đỉnh quả, cần chú ý bệnh lở cổ rễ và bệnh héo rũ ở cây con...
3. Giống ớt cay số 22
a. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam.
Nguồn gốc: Giống F1 nhập nội.
b. Những đặc tính chủ yếu
Những tính trạng đặc trưng của giống (thân, lá, quả, hạt ...): Chiều cao cây 80 - 90 cm, tán gọn, sinh trưởng mạnh. Quả non xanh đậm, chín đỏ bóng đẹp. Thon dài 13 - 15 cm. Dễ đậu quả, cay vừa.
- Thời gian sinh trưởng: 110 - 120 ngày sau gieo cho thu hoạch. Thời gian cho thu quả 60 ngày.
- Năng suất: 30 - 40 tấn/ha.
- Chất lượng: Mẫu mã quả đẹp, cay vừa, bóng sáng, đỏ, thịt dầy, sử dụng ăn tươi hoặc chế biến.
c. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Có thể gieo trồng được ở nhiều vùng và thời vụ khác nhau:
- Vụ đông xuân: Gieo tháng 10 - 11, trồng tháng 11 - 12, thu hoạch tháng 4 - 5
- Vụ xuân hè: Gieo tháng 2 - 3, trồng tháng 3 - 4, thu hoạch tháng 7 - 8
- Vụ đông: Gieo tháng 8 - 9, trồng tháng 9 - 10, thu hoạch tháng 1 - 2.
Khi cây con được 5 - 6 lá thì đem trồng. Trước khi trồng vài ngày ngừng tưới nước để cho cây cứng cáp kết hợp với phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cây ớt thích hợp với đất thịt nhẹ hoặc cát pha dễ thoát nước. Đất cày bừa kỹ bón vôi 20 - 30 kg/sào, lên luống rộng 1m, cao 30 cm, rãnh rộng 20 - 30 cm. Trồng hai hàng kiểu nanh sấu khoảng cách cây cách cây 50 - 60 cm. Mật độ 24.000 - 26.000 cây/ha.
Phân bón : Phân chuồng 3 - 5 tạ/sào (tốt nhất là phân gà hoặc phân bắc ủ mục). Urê : 8 - 10kg, Supe lân 15 - 20kg, Kali 10 - 12 kg.
Cách bón : Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 2-3 kg urê + 1/2lượng kali.
Bón trực tiếp vào hốc trộn đều sau đó phủ một lớp đất mỏng mới đặt cây. Đất ướt thì không bón lót urê và kali.
- Bón thúc lần 1: Sau trồng từ 7 - 10 ngày bón 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng kali
- Bón thúc lần 2: Sau trồng 20 - 25 ngày bón 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng kali
- Bón thúc lần 3: Trước khi cây ra hoa bón 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng kali.
Thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh lượng đạm bón thúc. Sau mỗi đợt thu quả có thể dùng nước phân pha loãng tưới bổ xung cho cây, kết hợp vun xới lúc bón thúc. Tỉa bỏ sớm những chồi dưới điểm phân cành đầu tiên mỗi cây chỉ để 3 - 4 nhánh. Khi cây cao quả nhiều phải cắm giàn chống đổ.
Thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời: Bệnh thán thư, đốm lá, bệnh sương mai, héo xanh do nấm, các loại sâu ăn lá, rệp, nhện trắng ... Nên phun thuốc khi sâu bệnh mới xuất hiện. Sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của từng loại.
ớt thường được thu rải nhiều ngày. Khi quả chín 1/3 - 1/2 thì thu đưa về để cho quả chín tiếp. Thu hoạch lúc trời khô ráo để giữ quả được lâu ./.
4. Giống Lơ xanh lai BI 15
a. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Do Công ty Syngenta lai tạo năm 2001.
Nguồn gốc: Nhập nội từ Hàn Quốc năm 2002.
b. Những đặc tính chủ yếu
- Thời gian sinh trưởng: 90 - 95 ngày.
- Các đặc tính hình thái: Không đẻ chồi ở nách lá.
- Khả năng chống chịu sâu bệnh: Kháng tốt các bệnh cháy lá do vi khuẩn (Xanthomonas campestris), thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora).
- Năng suất: 1,5 - 2 kg/cây, khoảng 37 - 45 tấn/ha.
- Chất lượng: Bông hạt mịn, ăn tươi ngon.
- Chống chịu ngoại cảnh đặc biệt: Không bị đổ ngã.
c. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Vùng phân bố: thích hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau, trên chân đất cát pha hoặc thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước, chủ động tưới.
Thời vụ gieo trồng: gieo hạt từ 15/7 - 15/9, trồng 15/8 - 15/10.
Kỹ thuật trồng: Làm luống rộng 1,2 m (cả rãnh), trồng 2 hàng, hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 45 cm, mật độ 32.000 - 34.000 cây/ha.
Phân bón cho 1 ha: Phân chuồng 30 tấn, Urê 450 kg + 500 kg super lân + 200 kg kali sunfat.
Bón lót toàn bộ phân chuồng, super lân + 1/3 đạm + 1/2 kali.
Bón thúc lần 1 (sau hồi xanh) 1/9 lượng đạm; lần 2 (khi phát triển tán lá): 1/3 lượng đạm + 1/4 lượng kali; lần 3 (khi cây bắt đầu ra hoa): bón phần đạm và kali còn lại.
Lưu ý: Trong sản xuất có thể trồng quanh năm, nên trồng thâm canh cao, không cần tỉa các chồi bên. Cần làm giàn che cho cây con vụ sớm./.
KS. Vũ Văn Tân