Hiệu quả từ cây thanh long ruột đỏ

Mô hình thanh long ruột đỏ tại thị xã Chí Linh. ảnh Văn Tân       Nhằm phát triển Thanh long ở các tỉnh phía Bắc phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm quả cho tiêu dùng trong nước từ năm 2001 Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội đã nhập nội và thử nghiệm giống Thanh long ruột đỏ tại một số địa phương ở các tỉnh miền Bắc. Qua kết quả khảo nghiệm cho thấy giống Thanh long ruột đỏ hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu miền Bắc, cây không chỉ sinh trưởng tốt tương tự giống thanh long truyền thống ruột trắng mà còn cho năng suất, chất lượng quả cao hơn. Năng suất Thanh long ruột đỏ đạt từ 15,7 - 20,1kg/trụ, trong khi đó giống Thanh long ruột trắng chỉ đạt từ 4,3 -13,5 kg/trụ trong cùng điều kiện khảo nghiệm.
Hiệu quả từ cây thanh long ruột đỏ
Những năm gần đây diện tích trồng cây ăn quả của xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh) có xu hướng giảm theo từng năm do các hộ nông dân đã phá bỏ một phần diện tích cây vải có hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay người nông dân ở xã chưa tìm được giống cây ăn quả nào có hiệu quả kinh tế để thay thế cây vải. Để góp phần giải quyết khó khăn trên năm 2010, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (TBKH) xây dựng mô hình sản xuất thử giống Thanh long ruột đỏ tại địa phương trên quy mô 1 ha với 6000 hom.
Thanh long ruột đỏ có thân, cành trườn bò trên trụ đỡ. Thân chứa nhiều nước nên nó có thể chịu hạn một thời gian dài. Cây thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng và ánh sáng có cường độ cao; độ đường trong quả Thanh long tăng khi trồng ở những nơi có cường độ ánh sáng cao. Nhiệt độ thích hợp cho cây Thanh long ruột đỏ sinh trưởng và phát triển từ 15 – 35°C, nếu dưới nhiệt độ này cây phát triển chậm hoặc ngừng sinh trưởng. Để tạo điều kiện cho cây Thanh long ruột đỏ sinh trưởng, phát triển tốt khi trồng cần tận dụng hướng nam và đông nam, nơi có đất đai bằng phẳng và ánh sáng nhiều. Cây Thanh long ruột đỏ là cây chịu hạn tốt, có thể trồng được ở các loại đất trên núi đá, bờ rào ở nông thôn và vùng ven biển; đất có tỷ lệ hạt dính 20%, hạt cát 40%, hạt đất 40% sẽ giúp cho cây hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt; lượng mưa thích hợp đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt hàng tháng từ 50 – 100 mm.
Trong 3 năm 2010 – 2012, ban chủ nhiệm đề tài đã cùng với Viện Nghiên cứu Rau quả đã hướng dẫn các hộ nông dân tham gia mô hình các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh;  tổ chức 6 lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật thâm canh cây ăn quả nói chung, cây Thanh long ruột đỏ nói riêng tại các xã, phường: Bắc An, Bến Tắm, Lê Lợi, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Tân Dân.
Giống Thanh long ruột đỏ được nhập nội từ Đài Loan là loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao và đang có nhu cầu rất lớn không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước được đem về trồng thử nghiệm góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất đồi của xã Hoàng Hoa Thám nói riêng và Thị xã Chí Linh nói chung. Thanh long ruột đỏ ít sâu bệnh, không xuất hiện nấm thối thân, chất lượng quả thơm, ngọt, trọng lượng bình quân đạt 300-400 gam/quả, tỷ lệ đậu quả đạt 10,0-57,1%, năng suất hộ điển hình năm thứ 3 đạt 11,0 kg/trụ, giá bán trung bình 35 nghìn đồng/kg (gấp 1,5 - 2  lần thanh long ruột trắng), trừ chi phí, người dân thu lãi 294,988 triệu đồng/ha. Thanh long ruột đỏ có khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngon khi trồng ở điều kiện đồi núi thị xã Chí Linh, góp phần bổ sung giống cầy trồng mới vào cơ cấu cây ăn quả của tỉnh. Quy trình thâm canh cây Thanh long ruột đỏ ở thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh cũng đã được hoàn thiện phù hợp với điều kiện của tỉnh làm cơ sở cho các địa phương áp dụng mở rộng mô hình trong thời gian tới.
Trong 2 năm 2011- 2012, một số hộ nông dân ở xã Hoàng Hoa Thám đã tự mở rộng mô hình được khoảng 3,0 ha. Một số xã, phường, thị trấn trong thị xã Chí Linh như Bến Tắm, Bắc An, Lê Lợi, Hoàng Tiến, … đã trồng được khoảng 4,0 ha. Ngoài ra, một số huyện trong và ngoài tỉnh cũng đã mua giống từ mô hình của đề tài để trồng được khoảng một vài hecta giống Thanh long ruột đỏ.
Sau năm thứ 3 thực hiện đề tài đã đem lại thu nhập cho người nông dân trên vùng đất đồi núi đang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế thấp. Lợi nhuận thu được của hộ gia đình điển hình đạt trên 50,0 triệu/ha/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông hộ, tạo lập nghề làm vườn tại địa phương.
Qua đó đã tạo hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi diện tích trồng vải thiều kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân ở xã Hoàng Hoa Thám nói riêng và Thị xã Chí Linh nói chung.
Hải Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây