Để giúp cho người nông dân tiếp cận với những cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất đồi thay thế dần một số cây trồng truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010 Trung tâm Ứng dụng TBKH Hải Dương thực hiện đề tài "Sản xuất thử Thanh long ruột đỏ tại tỉnh Hải Dương" .
Cây Thanh Long có nguồn gốc nhiệt đới, là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh phía Nam. Năm 2001, Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội đã nhập nội và thử nghiệm giống Thanh Long ruột đỏ ở huyện Phủ Quỳ-Nghệ An, huyện Thạch Thất-Hà Nội...kết quả khảo nghiệm cho thấy giống Thanh Long ruột đỏ có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu miền Bắc, có năng suất đạt 15,7-20,1kg/trụ.
Thanh Long ruột đỏ có đặc điểm ruột đỏ, vỏ hồng được nhập nội từ Đài Loan, là giống có giá trị dinh dưỡng cao, có thể cho quả trái vụ, thời gian khai thác quả có thể kéo dài 15 năm, mỗi gốc thu 9-10 quả, trung bình từ 10-30 quả/lứa/gốc, trọng lượng mỗi quả 0,3-0,4kg không sợ mất mùa. Thanh Long ruột đỏ thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng và ánh sáng có cường độ cao. Nhiệt độ từ 15-35 độ C thích hợp cho cây Thanh Long sinh trưởng tốt, cây Thanh Long ruột đỏ chịu hạn tốt, thích hợp với nhiều loại đất.
Trung tâm Ứng dụng TBKH đã xây dựng mô hình sản xuất thử giống Thanh Long ruột đỏ với qui mô 1,0 ha tại xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh với số lượng 6.000 hom giống cho 1,0 ha, có 16 hộ tham gia (trong đó mô hình hộ nông dân 0,5ha, mô hình trang trại là 0,5ha). Sau trồng từ 20 đến 30 ngày, tỷ lệ cây sống ở mô hình trang trại đạt 95% cao hơn mô hình hộ nông dân (90%). Một số sâu bệnh hại Thanh long ruột đỏ trong quá trình sinh trưởng như: Rệp muội, Sâu khoang, Bọ xít, Kến, sâu róm... cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng, áp dụng các biện pháp chăm sóc cho cây, phun thuốc phòng trị sâu bệnh kịp thời.
Cây Thanh long ruột đỏ được trồng từ tháng 4 năm 2010 đến nay sinh trưởng bình thường, tại mô hình trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Xuyên, thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám đã có một số cây cho ra hoa.
Năm 2011 Trung tâm Ứng dụng TBKH tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Hoàng Hoa Thám theo dõi, chỉ đạo các hộ nông dân tham gia mô hình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời đánh giá khả năng thích nghi, năng suất ,hiệu quả kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, làm căn cứ khuyến cao trồng cây này trên đất Hải Dương.
Nguyễn Thị Thuận