Mấy ngày nay, Khoa Khám bệnh của tất cả bệnh viện đa khoa trong TP Hà Nội luôn chật cứng bệnh nhân, nhiều nhất là trẻ em và người già.Lý giải cho hiện tượng này, bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, đây là thời điểm bắt đầu của các đợt nắng nóng ở miền Bắc, nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài hai tháng nữa sẽ là cơ hội thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virut, ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là trẻ em và người già. Để có thể phòng bệnh, cách tốt nhất là hiểu rõ một số những chứng bệnh thường gặp.
Say nắng
Bệnh thường gặp ở những nơi tập trung đông người như công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, hầm tàu, nhà máy..., biểu hiện của bệnh say nóng, say nắng là rối loạn sinh lý, hao hụt nước, muối khoáng, sinh tố B, C... (đặc biệt là muối natriclorua). Bệnh nhân mắc thể nhẹ thường có biểu hiện rối loạn chuyển hóa nước, tuần hoàn, hô hấp, người mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn...Ở thể nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn nội tiết, tiêu hóa, cảm giác đắng mồm, ù tai, hoa mắt; cao hơn nữa là ức chế thần kinh trung ương, phù phổi, da xanh tím, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ, sùi bọt mép, co giật, hôn mê, rồi dẫn đến tử vong.
BS Nhuận khuyên, khi thấy bệnh nhân bị say nóng, say nắng phải nhanh chóng đưa nạn nhân về nơi yên tĩnh, thoáng mát, tạo điều kiện cho da dẻ thanh thoát, dễ toát mồ hôi. Và cách chống nóng tốt nhất là cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt, ở nơi thoáng mát, ăn uống các chất mát, dễ tiêu, hợp vệ sinh...Lao động ngoài trời phải đội nón mũ rộng vành, có lán che nắng, mặc áo quần rộng, màu sáng, lao động hợp lý, có nước uống vệ sinh, cần pha thêm chút muối ăn hằng ngày để tăng cường các chất vi lượng, đặc biệt là sinh tố B, C.
Bệnh đường tiêu hóa
Bệnh tiêu hóa chủ yếu là bệnh tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy...Nguyên nhân chủ yếu bởi ăn uống không hợp vệ sinh. Nhất là mùa hè nóng bức này, thức ăn dễ ôi thiu, nhiều loại vi khuẩn rất dễ phát sinh, phát triển nhanh chóng. Theo BS Nhuận khi thấy bệnh nhân có biểu hiện của tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng... phải cho uống nước oresol, nước cháo hoặc nước trái cây để phòng mất nước.
Riêng với trẻ em và người già, vẫn phải giữ chế độ ăn uống như bình thường (không hạn chế món ăn). Đặc biệt không nên nhịn uống nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa. BS Nhuận khuyên, mùa hè là mùa mưa, lũ lụt thường xảy ra. Các loại bệnh đường tiêu hóa rất có thể thành đại dịch, nên ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thanh khử khuẩn tốt các nguồn nước và vệ sinh môi trường khi lũ tan. Đồng thời thông cống rãnh, giám sát chặt chẽ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra ở mọi nơi, do muỗi vằn truyền bệnh... Để phòng bệnh, tốt nhất là làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thông cống rãnh, không để ao tù, nước đọng, ngủ màn cả ban ngày, diệt muỗi bằng thuốc hoặc hương trừ muỗi, mặc quần áo dài tay, không làm việc nơi tối tăm ẩm ướt nhiều muỗi.
Đường hô hấp
Được coi là bệnh "truyền thống" như cảm cúm, viêm phổi, bệnh có liên quan đến tai mũi họng, thường có quanh năm, song bệnh bùng phát mạnh nhất vào mùa hè, khi thời tiết đang nóng như đổ lửa bỗng chuyển sang lạnh bất ngờ. Đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất vẫn là trẻ em và người già bởi sức đề kháng còn yếu. Vì vậy, khi thấy bệnh nhân sốt cao (trên 39 độ C) phải cho ngay vào bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh mà có thuốc trị. Ngoài ra, nóng lực tạo ra nhiều tác nhân gây bệnh nên phải hạn chế tối đa việc tụ tập ở những nơi đông người.
Bệnh viêm da
Cũng theo BS Nhuận, vảy nến là một bệnh đáng lo ngại nhất đối với da khi nắng nóng. Người ta gọi bệnh vảy nến bởi vì vảy có màu trắng đục, bóng giống màu của cây nến. Một số bệnh vảy nến thuộc loại nặng như vảy nến thể khớp hoặc bệnh vảy nến đỏ da toàn thân. Bệnh vảy nến ít nguy hiểm nhưng làm cho người bệnh khó chịu và những người xung quanh thấy ái ngại khi tiếp xúc vì nhìn thấy vảy có nhiều tầng chồng lên nhau, dễ bong ra nhất là khi cạo ra có các mảnh vụn trắng như phấn...
Cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh da sạch sẽ hằng ngày như tắm, gội. Không nên dùng các loại xà phòng có độ tẩy cao và đã từng gây dị ứng khi tiếp xúc các lần dùng trước đó, không dùng khăn chung khi biết người có bệnh về da có khả năng lây cho người khác. Và khi nghi ngờ bị bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay để biết được bệnh, tình trạng của bệnh cũng như sẽ có chỉ định điều trị phù hợp...
(theo NongnghiepVietNam,11/5)