Kết quả bước đầu “Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của thân cây Ý dĩ để ứng dụng trong điều trị đái tháo đường typ 2”

Bệnh đái tháo đường là một bệnh nội tiết kèm theo nhiều biểu hiện rối loạn chuyển hoá. Hậu quả của sự tăng đường huyết là những biến chứng nghiêm trọng có thể đe doạ đến tính mạng của người bệnh. Theo PGS.TS Tạ Văn Bình (Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam): "Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ đái tháo đường lớn nhất thế giới, nhưng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới". Sự gia tăng này đang là một gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam. Với mục đích kế thừa thành tựu y học cổ truyền của dân tộc để nghiên cứu tạo ra nhiều loại thuốc mới có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên, trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã tiến hành "Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của thân cây Ý dĩ (coix lacryma-jobi) để ứng dụng trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường typ 2". Đề tài được thực hiện trong hai năm 2010-2011, do Ths. Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm.

Cây Ý dĩ vốn được biết đến như một loại thực phẩm và cũng là một vị thuốc với rất nhiều công dụng. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra: tác dụng trên chuyển hoá glucose và lipid máu của hạt nhân Ý dĩ, tác dụng chống ung thư của hạt Ý dĩ, tác dụng chống viêm của rễ Ý dĩ... Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương thực hiện đề tài với mục tiêu: nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết, thành phần hoá học và độc tính của thân cây ý dĩ, sử dụng trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)s; chế tạo dạng bào chế thực phẩm chức năng dùng hỗ trợ điều trị cho người bị bệnh ĐTĐ từ cây Ý dĩ; đánh giá tác dụng của thực phẩm chức năng trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2.
y_di
Sau một năm thực hiện, đề tài khoa học của trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu. Trước hết, đề tài đã định danh khoa học thân cây Ý dĩ đúng theo bậc phân loại thực vật để chuẩn hoá đầu vào cho nghiên cứu. Loài Ý dĩ thuộc họ Poaceae, bộ Poales, lớp một lá mầm Liliopsida của ngành thực vật có hoa. Đặc điểm của Ý dĩ là loài cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 1,0-1,5m, sống thành bụi, thân nhẵn bóng, lá dài hẹp, gân giữa to, đầu lá nhọn và mọc hoa đơn tính. Cây Ý dĩ mọc hoang ở khắp nơi ẩm mát thuộc miền núi (Điện Biên). Hiện nay do nhu cầu sử dụng Ý dĩ tăng nên cây được trồng ở nhiều nơi như Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương... Đề tài khoa học sử dụng Ý dĩ thu hái tại trường Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương và vùng núi huyện chí Linh, Kinh Môn, áp dụng phương pháp ngâm lạnh với dung môi ethanol để chiết xuất dịch chiết toàn phần.
Kết quả nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của dịch chiết thân cây Ý dĩ ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ĐTĐ typ 2 cho thấy: dịch chiết thân cây Ý dĩ không làm thay đổi đáng kể đường huyết của chuột nhắt trắng bình thường. Mức hạ đường huyết của chuột sau 4 giờ uống dịch chiết thân cây Ý dĩ là 12,97%. Tuy nhiên, dịch chiết thân cây Ý dĩ có tác dụng hạn chế sự tăng đường huyết của chuột nhắt trắng gây tăng đường huyết thực nghiệm bởi các tác nhân: đường ngoại sinh (mức tăng đường huyết: 55,2%), Adrenalin (mức tăng đường huyết: 72,27%) và có tác dụng hạ đường huyết của chuột gây tăng đường huyết bởi STZ (mức hạ đường huyết: 36,31%). Các thử nghiệm cũng cho thấy: liều dịch chiết thân cây Ý dĩ là 10ml/kg (tương đương 10g thân cây Ý dĩ khô/kg) được lựa chọn là liều thích hợp có hiệu quả cho các thí nghiệm về tác dụng hạ đường huyết của dịch chiết thân cây Ý dĩ trên chuột nhắt trắng thí nghiệm.
Cùng với nghiên cứu dịch chiết toàn phần, đề tài khoa học cũng tiến hành chiết xuất dịch chiết phân đoạn và thử tác dụng của dịch chiết phân đoạn để lựa chọn phân đoạn dịch chiết có tác dụng hạ đường huyết tốt nhất. Quy trình chiết xuất dịch chiết phân đoạn tạo được 5 phân đoạn dịch chiết thân Ý dĩ bao gồm phân đoạn n-hexan, cloroform, ethylacetat, ether và n-butanol. Trong các phân đoạn dịch chiết nói trên, chỉ có phân đoạn cloroform gây hạ đường huyết với mức 65,16%.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch chiết thân Ý dĩ trên các mô hình tăng đường huyết thực nghiệm cho thấy: dịch chiết thân cây Ý dĩ có tác dụng hạn chế sự tăng đường huyết bởi các tác nhân đã sử dụng trong thực nghiệm. Tuy Ý dĩ không gây hạ đường huyết ở chuột bình thường nhưng lại có tác dụng khá mạnh trên chuột có đường huyết cao. Kết quả của các thí nghiệm có thể mở ra khả năng ứng dụng của thân cây Ý dĩ trong việc phòng và điều trị ĐTĐ. Dùng thuốc dài ngày trong phòng và điều trị bệnh cũng là xu hướng chung của việcc sử dụng dược liệu, phù hợp với đặc tính tác dụng chậm, lâu dài và khả năng duy trì, lập lại cân bằng trong cơ thể mà y học cổ truyền đã đúc kết.

Kết quả nghiên cứu của đề tài mở ra triển vọng trong việc khai thác cây Ý dĩ sau khi đã lấy hạt, phần thân còn lại được dùng trong hỗ trợ điều trị ĐTĐ. Như vậy cây Ý dĩ được sử dụng triệt để hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng và làm phong phú nguồn dược liệu có tác dụng điều trị ĐTĐ trong nước. Không chỉ dừng ở các bài thuốc cổ truyền, kết quả nghiên cứu của đề tài còn tiến đến xây dựng các dạng bào chế tiên tiến để thuận tiện cho người sử dụng.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây