Trinh nữ - thuốc an thần

Trinh nữ còn gọi là cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo, ojigi-so (Nhật Bản), Lajwanti (Ấn Độ), Lajjabati (Bangladesh), Sensitive (Anh & Pháp)... tên khoa học Mimosa pudica L. họ Trinh nữ (mimosaceae). Dược lý hiện đại cho biết cây trinh nữ có tác dụng ức chế thần kinh Trung ương, chữa trị các chứng mất ngủ; song cũng có thể làm chậm thời gian xuất hiện co giật, giảm đau và giải độc acide, kìm hãm sự sinh trưởng của vi khuẩn, có tính diệt nấm, diệt giun... Người ta còn sử dụng toàn cây trinh nữ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng sắc lấy nước uống thay trà hằng ngày trị đau nhức mỏi, sưng phù.

Đông y cho rằng cành và lá trinh nữ có vị ngọt, se hơi đắng, tính lạnh, hơi độc; có công năng thanh nhiệt can hỏa, an thần, tiêu tích, giải độc. Rễ có vị chát hơi đắng, tính ấm, có độc, công hiệu chỉ khái hóa đàm, thông kinh hoạt lạc, hòa vị, tiêu tích. Được sử dụng riêng hoặc phối hợp với các vị khác trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm phế quản, suy nhược thần kinh ở trẻ em, viêm kết mạc cấp, viêm gan, viêm tiểu tràng, sỏi niệu, phong tê bại, huyết áp cao... Dùng ngoài trị chấn thương, viêm da mủ, lấy lá tươi giã đắp. Tuy nhiên không dùng cho người có thai.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu các bệnh chứng từ cây trinh nữ.
* Chữa suy nhược thần kinh (nhức đầu, ù tai, khó ngủ): Lá cây trinh nữ 20g, dây lạc tiên 20g, củ tóc tiên (còn gọi là mạch môn, củ cỏ lan, cây lan tiên, tên khoa học ophiopogon japonicus) 20g, hạt thảo quyết minh (muồng muồng) 20g, hoài sơn 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Hay trị suy nhược thần kinh mất ngủ: Trinh nữ 15g (dùng riêng) hoặc phối hợp với cúc bạc đầu 15g, chua me đất 30g, sắc uống vào tối hằng ngày.
* Chữa mất ngủ, đau đầu hoa mắt, viêm đau dạ dày mạn: Rễ cây trinh nữ 10 – 15g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Cần uống liền 3 – 5 thang.
* Chữa bệnh Zona: Lấy lá cây trinh nữ giã đắp vào nơi bị bệnh, ngày 1 lần, cần làm 3 – 5 ngày liền.
* Chữa viêm phế quản mạn: Rễ cây trinh nữ 100g, sắc lấy nước thuốc uống, chia 2 lần trong ngày. Cần uống 10 ngày liền là 1 liệu trình. Uống 2 – 3 liệu trình sẽ đạt hiệu quả.
Hoặc rễ trinh nữ 30g, rễ lá cẩm 16g, sắc uống chia 2 lần/ngày.
* Chữa đau nhức xương khớp: Rễ cây trinh nữ xắt thành miếng mỏng phơi khô; hàng ngày lấy 120g đem rang rồi tẩm rượu cao độ (40 – 45o) và lại rang khô. Sau cho 3 bát nước sắc còn 1 bát chừng 200 – 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 4 – 5 ngày sẽ cho kết quả.
Hoặc dùng chữa phong thấp nhức xương: Rễ cây trinh nữ sao 20g, bưởi bung 20g, dây đau xương 20g, kê huyết đằng 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần; cũng có thể ngâm rượu uống.
* Chữa đau ngang thắt lưng (nhức mỏi gân xương): Rễ trinh nữ 20 – 30g, tẩm rượu sao, sắc uống riêng hoặc phối hợp với cúc tần 20g, bưởi bung 20g, rễ đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
* Chữa trị huyết áp cao: Hà thủ ô 8g, trắc bách diệp 6g, bông sứ cùi 6g, câu đằng 6g, tang ký sinh 8g, đỗ trọng 6g, trinh nữ 6g, lá vông nem 6g, hạt muồng muồng 6g, kiến cò 6g, địa long 4g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Có thể tán bột luyện viên uống hằng ngày.

Theo Báo nông nghiệp Việt Nam

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,301,073
  • Tổng lượt truy cập4,006,277
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây