Thực trạng xã hội hóa dịch vụ y tế tại tỉnh Hải Dương

Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ dịch vụ y tế xã hội hóa. Ảnh minh họa Hoạt động xã hội hóa dịch vụ y tế của tỉnh Hải Dương đã được triển khai từ nhiều năm nay đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giảm bớt chi phí đi lại và điều trị. Tuy nhiên, hoạt động xã hội hóa y tế của cơ sở có lúc, có nơi nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ bản chất và nội dung của xã hội hoá trong công tác chỉ đạo, điều hành chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, dẫn đến nguy cơ phát sinh tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ. Chính vì vậy, Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã triển khai nghiên cứu "Đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình xã hội hóa dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế tỉnh Hải Dương", do Th.s Đoàn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Y tế chủ trì.
Thực trạng xã hội hóa dịch vụ y tế tại tỉnh Hải Dương
Đề tài nghiên cứu được tiến hành tại 17 bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung khảo sát thực trạng các mô hình xã hội hóa các dịch vụ y tế từ quy trình tổ chức quản lý thực hiện, thực trạng đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; các loại hình dịch vụ y tế xã hội hóa, nguồn tài chính...
Xã hội hóa góp phần nâng cao năng lực cho các bệnh viện
Thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, trong những năm qua, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động xã hội hóa để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có công tác khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực, huy động đội ngũ cán bộ có trình độ cao phục vụ nhân dân, thông qua nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, huy động vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tính đến tháng 12/2012, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động xã hội hóa, bao gồm: 75 phòng bệnh và 89 giường bệnh, 10 khoa lâm sàng và 11 khoa cận lâm sàng có thực hiện các dịch vụ y tế xã hội hóa. Đặc biệt, có 5 đơn vị có khu vực riêng dành cho thực hiện dịch vụ y tế xã hội hóa, bao gồm khu khám bệnh chất lượng cao, khu lọc máu có chu kỳ (Bệnh viện đa khoa tỉnh), khu lọc máu có chu kỳ (Bệnh viện đa khoa thành phố), khoa điều trị tự nguyện (Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện đa khoa Bình Giang). Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để đưa vào thực hiện dịch vụ, với tổng số 112 trang thiết bị, gồm 35 máy xét nghiệm, 38 máy chẩn đoán hình ảnh và 39 trang thiết bị điều trị như máy chạy thận nhân tạo, máy đo khi máu, máy tán sỏi, máy Dopler...
Nhờ việc triển khai các hoạt động xã hội hóa dịch vụ y tế, chất lượng khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện đã được nâng cao. Trong hoạt động chuyên môn, dịch vụ y tế xã hội hóa được các bệnh viện áp dụng ở các kỹ thuật như: siêu âm màu( 82,4%), chụp XQ kỹ thuật số, xét nghiệm sinh hóa tự động, xét nghiệm huyết học tự động, chụp City Scaner, chụp cộng hưởng từ... Tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, nhờ có dịch vụ y tế xã hội hóa mà bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật xét nghiệm vi sinh, qua đó chẩn đoán xác định được các trường hợp viêm gan virus B, virus hợp bào đường hô hấp, rotavirus... Một số bệnh viện áp dụng kỹ thuật nội soi thông qua hoạt động xã hội hóa đã triển khai được nhiều kỹ thuật mổ mới như mổ nội soi, phẫu thuật Phaco, tán sỏi ngoài cơ thể, mổ đẻ thẩm mỹ... Những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế xã hội hóa đều cảm thấy khá hài lòng với chất lượng dịch vụ, ở các điểm như: có bác sĩ trực 24/24 để theo dõi diễn tiến bệnh; y/bác sĩ luôn ân cần đối xử, thăm hỏi, động viên người bệnh trong suốt quá trình điều trị; người nhà dễ dàng gặp bác sĩ khi có yêu cầu...
Cần thực hiện theo mô hình thống nhất
Nhờ việc xã hội hóa dịch vụ y tế, các bệnh viện trong tỉnh đã được đầu tư và trang bị thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân; các dịch vụ y tế xã hội hóa đảm bảo chất lượng chuyên môn và có hiệu quả cao về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động xã hội hóa dịch vụ y tế, còn tồn tại một số điểm hạn chế. Đó là tình trạng các đơn vị không thống nhất về quy trình, thủ tục chuẩn bị triển khai. Các đơn vị chủ yếu đầu tư trang thiết bị cận lâm sàng, ít đầu tư trang thiết bị trực tiếp điều trị. Nhiều đơn vị chưa có khu vực dành riêng cho thực hiện dịch vụ y tế xã hội hóa. Hoạt động dịch vụ y tế xã hội hóa đã đáp ứng nhu cầu của người bệnh, tác động tích cực đến chuyên môn và uy tín của bệnh viện, nhưng lại chưa thực sự nâng cao đời sống cho toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị.
Trên cơ sở những điểm tồn tại trên, Sở Y tế đã đề xuất mô hình thống nhất tại các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế. Theo đó, Sở y tế khuyến khích các bệnh viện công lập sử dụng tài sản, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để liên doanh liên kết, hoặc huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia góp vốn bằng tiền hoặc tài sản để liên doanh liên kết thực hiện các hoạt động xã hội hóa dịch vụ y tế. Các đơn vị thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong quá trình thực hiện, qua đó đảm bảo lợi ích của người bệnh, lợi ích của cán bộ nhân viên và tập thể của bệnh viện, lợi ích của Nhà nước và các đối tác...
Anh Nguyên

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập225
  • Hôm nay51,672
  • Tháng hiện tại1,133,316
  • Tổng lượt truy cập3,838,520
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây