Cây xấu hổ. Nguồn Internet Có nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu đã được nghiên cứu, ứng dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Từ xưa trong dân gian đã dùng các loại thảo dược để làm cho sỏi tống ra ngoài theo đường tiểu. Các loại thảo dược lưu truyền dễ tìm, dễ sử dụng như râu ngô, bông mã đề, kim tiền thảo...
Với mục đích kế thừa thành tựu y học cổ truyền của dân tộc để tạo ra bài thuốc mới có nguồn gốc dược liệu, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã tiến hành "Nghiên cứu dược lý thực nghiệm và lâm sàng của bài thuốc gồm ba dược liệu: Ý dĩ, bồ đề và Xấu hổ để ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh sỏi tiết niệu" . Đề tài được thực hiện trong 2 năm 2012-2013, do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhài, Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm.
Sau hai năm thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành nghiên cứu tác dụng dược lý tan sỏi tiết liệu của bài thuốc có nguồn gốc từ 3 vị dược liệu Ý dĩ, xấu hổ, bồ đề; thành phần hóa học và đặc tính của cây Ý dĩ, Xấu hổ và Bồ đề sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh sỏi tiết niệu; nghiên cứu thành phần hóa học của phân đoạn dịch chiết có tác dụng điều trị bệnh sỏi tiết niệu tốt nhất; Nghiên cứu tác dụng điều trị tan sỏi của dịch chiết có tác dụng nhất trên mô hình tạo sỏi calci oxalat thực nghiệm ở chuột cống trắng. Sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho người mắc bệnh sỏi tiết niệu từ 3 cây thuốc đã nghiên cứu, sản xuất 20.000 viên nang cứng áp dụng thử nghiệm và đánh giá tác dụng điều trị sỏi tiết niệu trên 30 bệnh nhân mắc bệnh sỏi tiết niệu nhỏ hơn 1cm. Sau 45 ngày điều trị bằng viên nang cứng được điều chế từ 3 vị dược liệu là Ý dĩ, Xấu hổ, Bồ đề có tác dụng tốt, kích thước sỏi trên các bệnh nhân nhỏ đị rõ ràng từ 0,88 cm xuống còn 0,42 cm
Tại Hội nghị tổng kết đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá: Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, có ý nghĩa thực tiễn cao, đề tài đã tạo ra bài thuốc có nguồn gốc dược liệu trong điều trị bệnh sỏi tiết liệu. Đề tài đã nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về thành phần hóa học, tác dụng sinh học của các cây dược liệu Ý dĩ, Xấu hổ và Bồ đề. Đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực khai thác, sử dụng các dược liệu trong phòng và chữa bệnh, bài thuốc sản xuất từ 3 dược liệu Ý dĩ, Xấu hổ và Bồ đề có nguồn gốc thiên nhiên an toàn, hiệu quả và giá thành hợp lý dùng cho bệnh nhân sỏi tiết niệu ở trong nước.
Kết luận tại Hội nghị nghiệm thu, Thạc sĩ Phạm Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận xét: đây là đề tài nghiên cứu khá toàn diện về một bài thuốc làm tan sỏi tiết niệu, kết quả nghiên cứu là cơ sở để đưa vào sử dụng trong lâm sàng cho việc điều trị các bệnh nhân sỏi tiết niệu trong và ngoài tỉnh. Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung hoàn thiện chỉnh sửa báo cáo và kiến nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh sỏi tiết niệu và tiến tới sản xuất thuốc điều trị. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại xuất sắc.
Hòa Thuận