Ảnh: funscrape.com Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) ngày 18/3 công bố đã tìm ra phương pháp chẩn đoán ung thư tụy ở giai đoạn sớm hơn khả năng hiện nay, mở ra hy vọng cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh này. Với độ chính xác lên tới 97%, các bước tiến hành của phương pháp này giống như phương pháp nội soi thông thường.
Cụ thể, nhóm chuyên gia tiến hành một xét nghiệm, trong đó đặt một chiếc ống bên trong miệng bệnh nhân sau đó luồn xuống dạ dày. Điểm khác biệt so với nội soi là chiếc ống này sẽ chụp lại hình ảnh siêu âm của các bộ phận trong cơ thể bệnh nhân giúp các bác sỹ xem xét và nhận diện khối u tốt hơn.
Theo bà Karolina Jabbar, đồng tác giả nghiên cứu, phương pháp này không những được kỳ vọng sẽ phát hiện ung thư sớm, thời điểm ung thư có thể được ngăn chặn hay điều trị, mà còn giảm nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật không cần thiết.
Ngoài những khối u mới phát hiện, những khối u đã có từ trước cũng có thể được xét nghiệm bằng phương pháp này, với tỷ lệ chính xác là 90%, giúp xác định dễ dàng hơn nếu một bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật ngay hay không.
Chỉ có 5% bệnh nhân ung thư tụy sống được nhiều hơn 5 năm sau chẩn đoán vì các khối u thường âm thầm phát triển và di căn ra các bộ phận khác của cơ thể trước khi được phát hiện.
Theo TTXVN