Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại huyện Thanh Miện; năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương”.
Vụ xuân năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp, rét muộn cuối tháng 1 đầu tháng 2 đùng vào đầu vụ gieo cấy. Sau gieo cấy do ảnh hưởng liên tiếp của những đợt không khí lạnh, trời âm u nên các trà lúa sinh trưởng, phát triển chậm, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày so với trung bình nhiều năm. Mặc dù vậy, thời kỳ lúa làm đòng trỗ bông gặp nhiệt độ phù hợp, mưa đủ nước, sau trỗ gặp thời tiết nắng mưa xen kẽ nên lúa xuân năm nay khá tốt, năng suất đạt khá cao.
Đề tài được thực hiện với quy mô 100ha, với 600 hộ tham gia tại 4 HTX là HTXDVNN Tân Phong (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), HTXDVNN Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), HTXDVNN Tân Trường (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng) và HTXDVNN Lạc Long (xã Lạc Long, huyện Kinh Môn). Mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật. Mô hình gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, áp dụng phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy, sử dụng mô hình đối chứng là phương thức gieo mạ sân, cấy thủ công và gieo vãi.
Kết quả đánh giá mô hình cho thấy: mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp nên thuận lợi cho cây lúa quang hợp, lúa đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu cao hơn phương thức gieo mạ sân/cấy thủ công từ 3-4 dảnh và cao hơn phương thức gieo vãi từ 5-6 dảnh. Chiều cao cây lúa ở mô hình đạt 104 – 107 cm, cao hơn so với cây lúa ở mô hình cấy mạ sân từ 5-6 cm và cao hơn cây lúa ở mô hình gieo vãi 2cm. Thời gian sinh trưởng của lúa cấy ở mô hình gieo mạ khay cấy máy từ 125 – 141 ngày, tương đương với lúa gieo mạ sân, cấy thủ công và dài hơn so với gieo vãi từ 5-7 ngày.
Theo dõi mức độ chống chịu sâu bệnh và khả năng chống đổ của mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy: mức độ nhiễm khô vằn, rầy nâu của mô hình ở điểm 0 đến 1, nhẹ hơn rất nhiều so với mô hình đối chứng (điểm 0-1 đến 3). Bên cạnh đó, khả năng chống đổ của mô hình cấy máy cũng đạt điểm tốt (điểm 1), trong khi các mô hình cấy thủ công, gieo vãi ở mức độ trung bình.
Về các yếu tố cấu thành năng suất của mô hình gieo mạ khay cấy máy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, tại HTXDVNN Tân Phong: số hạt chắc/bông trung bình đạt 156,8 hạt; tỷ lệ lép 3,3%; số bông trung bình/m2 đạt 292,3 bông. Năng suất mô hình đạt 62,6 tạ/ha, cao hơn đối chứng 4,3 tạ/ha (6,9%). Tại HTXDVNN Mộ Trạch: số hạt chắc/bông trung bình đạt 157 hạt; tỷ lệ lép 3,7%; số bông trung bình/m2 đạt 285 bông. Năng suất mô hình đạt 61,1 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3,8 tạ/ha (6,2%). Tại HTXDVNN Tân Trường: số hạt chắc/bông trung bình đạt 155,5 hạt; tỷ lệ lép 4%; số bông trung bình/m2 đạt 284,8 bông. Năng suất mô hình đạt 60,4 tạ/ha, cao hơn đối chứng gieo vãi là 1,9 tạ/ha (3,2%). Tại HTXDVNN Lạc Long: số hạt chắc/bông trung bình đạt 154 hạt; tỷ lệ lép 3%; số bông trung bình/m2 đạt 284,8 bông. Năng suất mô hình đạt 76,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,7 tạ/ha (7,4%).
Xét về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí ở mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay cấy máy thấp hơn chi phí ở mô hình đối chứng áp dụng phương thức gieo vãi, cấy thủ công từ 30.000 – 90.000 đồng/sào chi phí về giống, công gieo mạ, công cấy; và 30.000 – 40.000 đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
Trong khi đó, năng suất mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy máy cao hơn so với mô hình cấy thủ công từ 3,8 – 5,7 tạ/ha và cao hơn gieo vãi 1,9 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế của mô hình gieo mạ khay, cấy máy cao hơn từ 5,4 – 6,6 triệu đồng/ha và cao hơn so với gieo vãi 4,1 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng từ 26 – 30%. Bên cạnh đó phải kể đến ưu điểm của việc gieo mạ khay góp phần chủ đông khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết (vụ xuân gặp rét đậm, rét hại kéo dài), giúp nông dân chủ động thời vụ sản xuất.
Nguyễn Thị Ánh