Hiện nay bà con nông dân đang thu hoạch lúa vụ xuân và chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đất để cấy lúa vụ mùa. Thực tế hiện nay, bà con ta hầu hết đều cắt cao gốc rạ để thu hoạch lúa nên phần lớn rơm rạ tồn tại trong ruộng từ vụ xuân sẽ khó phân hủy, dễ phát sinh sâu bệnh hại ở vụ mùa, nhất là bệnh vàng lá nghẹt rễ. Kinh nghiệm có câu: “Nhất thì, nhì thục” nghĩa là thời vụ và làm đất là nhân tố rất quan trọng đối với gieo cấy lúa vụ mùa, thậm chí quyết định đến năng suất lúa sau này. Do đó khi thực hiện việc làm đất để gieo cấy lúa vụ mùa, bà con nông dân cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Thời vụ:
- Vụ mùa cần gieo cấy sớm ( ngay sau khi thu hoạch vụ chiêm - xuân) để tranh thủ thời vụ: Khi lúa cấy sớm sẽ nhanh bén chân, đẻ nhánh sớm, có khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh tốt hơn, giải phóng đất cho vụ đông. Đối với các vùng làm cây vụ đông, nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày như: GL105, VS1, QR1, RVT,…
- Nên áp dụng các hình thức gieo mạ như: gieo mạ sân, mạ khay để cấy giúp cây lúa nhanh bén rễ, đẻ nhánh khỏe, hoặc áp dụng hình thức gieo sạ nhằm tranh thủ đảm bảo thời vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa.
2. Làm đất:
- Ngay sau khi gặt xong lúa xuân, phải cày lật đất ngay, kết hợp với bón 10 - 15kg vôi bột/sào (tùy chân đất) để gốc rạ nhanh phân hủy, không phát sinh bệnh vàng lá nghẹt rễ sau này. Nếu ruộng dùng cày máy, cần dùng máy có bánh lồng vùi gốc rạ cho dập nát trước khi bón vôi, cày lật đất để gốc rạ chóng phân hủy. Ruộng dùng sức kéo của trâu bò, cần cắt ngắn gốc rạ trước khi cày lật đất làm cho gốc rạ nhanh chóng phân hủy.
- Để giúp cho đất nhanh ngấu, bà con nên sử dụng các loại phân có hàm lượng vi sinh vật cao như Azotobacterin, Trichoderma,.... Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu cung cấp vi sinh vật cho đất, làm tăng độ tơi xốp và sự liên kết các chất hữu cơ trong đất, tăng sức đề kháng cho cây giúp cân bằng sinh thái. Đặc biệt làm gốc rạ nhanh phân hủy, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.
- Đối với gieo sạ: Bà con nên liên kết với nhau, khoanh thành vùng tập trung, gieo cùng một giống, cùng thời điểm để tiện cho việc tưới tiêu, tiết kiệm lượng giống gieo cũng như chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cần làm đất kỹ, phẳng, như làm đất đối với gieo mạ để khi gieo xuống không tạo vùng trũng quanh ruộng (nếu tạo vùng trũng, thấp trong ruộng lúa khi gặp nắng to mống lúa sẽ bị chết). Đối với ruộng đất cát pha, chân vàn cao làm đất xong nên gieo ngay.
Thực hiện tốt các nội dung trên, bà con nông dân sẽ chủ động được thời vụ gieo cấy lúa, tạo tiền đề đem lại vụ mùa 2016 thắng lợi.
(Theo Cổng thông tin KH&CN Hải Phòng)