Một số biện pháp kỹ thuật về ngâm ủ và gieo mạ vụ mùa

Vụ mùa thời tiết diễn biến thường phức tạp như nắng nóng, mưa bão... gây hạn và ngập úng vì vậy mà sản xuất vụ mùa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị bước vào gieo cấy vụ mùa, để chủ động trong sản xuất bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật về xử lý, ngâm ủ và gieo và chăm sóc mạ như sau:

Một số biện pháp kỹ thuật về ngâm ủ và gieo mạ vụ mùa

1.       Xử lý hạt giống

Hạt giống trước khi ngâm cần xử lý để loại bỏ hoàn toàn hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại và nấm bệnh, chọn ra 100% hạt chắc, mẩy, sạch bệnh bằng các phương pháp:

 - Sử dụng nước muối 15%: Pha 1,5 kg muối ăn với 10 lít nước sạch, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ 1 phần thóc 3 phần nước, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch, tiếp tục ngâm với nước sạch.

- Sử dụng hoá chất trừ nấm, bệnh: Dùng CRUISER (pha 5 ml thuốc với 1 - 1,5 lít nước, trộn đều 20 kg thóc giống) để diệt các mầm bệnh và bọ trĩ gây hại thời kỳ đầu.

2. Kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống

- Về thời gian ngâm ủ: Đối với lúa lai ngâm từ 12 - 18 tiếng, với lúa thuần ngâm từ 24 - 36 tiếng.

- Trong quá trình ngâm cứ 6 - 8 tiếng thay nước 1 lần để nước không bị chua gây ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm. Sau khi hạt giống được ngâm no nước, quan sát phần phôi hạt thóc thấy trắng, bà con vớt ra đãi sạch để ráo nước, sau đó cho vào thúng, rổ rá hoặc túi vải có khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt, tuyệt đối không dùng bao nilon kín, khó thoát nước và bí hơi. Vụ mùa bà con cần ủ mát.

- Trong quá trình ủ phải thường xuyên kiểm tra bằng cách:

+ Nếu cho tay vào trong túi ủ giống mà tay khô, lập tức phun nước vào, đảo trộn lại hạt giống để hạt giống có đủ độ ẩm. Nếu tay ướt, nhớt, phải ngay lập tức dùng nước rửa sạch nhớt bám vào hạt giống, sau đó tiếp tục ủ lại hạt giống, nếu không rửa lại hạt giống kịp thời, hạt giống không mọc mầm được và sẽ bị thối.

+ Nếu thấy hạt giống đã nảy mầm, nhưng mầm dài ra và rễ lại ngắn, phải phun thêm nước vào và đảo trộn hạt giống rồi tiếp tục ủ. Ngược lại nếu thấy mầm quá ngắn, rễ lại quá dài, phải đảo trộn hạt giống từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống, từ dưới lên để cung cấp đủ dưỡng khí cho mầm phát triển.

- Khi mộng mạ dài bằng 1/3-1/2 hạt thóc, rễ dài bằng hạt thóc, có thể tiến hành đem gieo.

3. Kỹ thuật gieo mạ: Chọn vị trí gieo là nơi phẳng, tránh nắng, tưới tiêu tốt, tiện cho chăm sóc và bảo vệ, lựa chọn phương pháp gieo mạ nền hay mạ dược, mạ dầy xúc cho phù hợp với điều kiện gieo cấy tại địa phương.

Đối với gieo mạ nền:

- Về bùn gieo, bà con cần lấy bùn ruộng, bùn ao và lấy trước khi gieo từ 2-3 ngày để giải phóng các khí độc trong bùn. Không lấy bùn ở các ao tù nước đọng vì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của mạ, gây nên hiện tượng mạ chết.

- Sau khi lấy bùn xong, cần trải bùn thành luống rộng 1-1,2m và độ dày  từ 2-3cm. Trong quá trình gieo, nên chia nhỏ lượng mộng mạ cho từng luống để gieo cho đều.

 Đối với gieo mạ dược, mạ dầy xúc:

- Đất cần được làm kỹ nhuyễn phẳng sạch cỏ dại, lên luống, bề ruộng của luống 1 - 1,2 m, có thể bón lót 5 - 10kg phần chuồng hoai mục + 5 - 7 kg Supe lân cho 1 sào mạ, gieo đều và ném hạt giống nhẹ tay để hạt giống chìm sâu 2/3 hạt mầm vào đất.

- Đồng thời với việc gieo mạ và chăm sóc mạ, bà con cần khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón và tổ chức đánh bắt chuột, ốc bưu vàng trước khi cấy, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để gieo, cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

(Theo Thông tin KHCN Hải Phòng)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây