Năm 2023 UBND tỉnh phê duyệt 34 đề tài, dự án thuộc 04 lĩnh vực gồm Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Y dược, Khoa học Xã hội, Khoa học Kỹ thuật công nghệ, trong đó có 16 đề tài, Dự án thực hiện từ năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 và 18 đề tài, dự án được tuyển chọn mới bắt đầu thực hiện từ năm 2023.
Các nghiên cứu ứng dụng đã bám sát vào định hướng của tỉnh, để lựa chọn các ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, an toàn và theo chuỗi giá trị; kết quả nghiên cứu ứng dụng đã từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hiệu quả thấp sang phương thức sản xuất chuyên nghiệp, an toàn, bền vững và kết nối được với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống; nghiên cứu ứng dụng gắn với sản phẩm được chứng nhận VietGAP đã góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Các nghiên cứu cũng chú trọng giải quyết vấn đề về chăm sóc sức khoẻ người dân và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11-18 tuổi; nghiên cứu xây dựng vùng dược liệu, xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu sẵn có của tỉnh để phục vụ phát triển công nghiệp dược của tỉnh; nghiên cứu các vấn đề thiết thực đang được đặt ra trong thực tiễn sản xuất như quy trình kỹ thuật bảo quản cà chua bằng công nghệ tro phủ sinh học kết hợp với dung dịch hoạt tính; quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp; tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới phát triển kinh tế-xã hội và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, ngành khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh và có sức cạnh tranh trên thị trường, chuyển giao cho người dân nhân rộng trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng vi tảo và chế phẩm vi sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rươi trong mô hình lúa - rươi; phát triển các mô hình từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thông qua các nhiệm vụ thuộc Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025”. Nghiên cứu chế phẩm hỗ trợ điều trị ho từ cây Ngũ Trảo; nghiên cứu ứng dụng phương pháp lên men chuyển hóa bằng lợi khuẩn để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường từ một số dược liệu: giảo cổ lam, dây thìa canh và mã đềđồng thời chú trọng xây dựng mô hình trồng một số cây dược liệu như Cà gai leo, Dong Riềng Đỏ theo hướng GACP-WHO làm vùng nguyên liệu. Ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED và công nghệ IoT trong việc kích thích ra quả trái vụ cho cây thanh long; nghiên cứu quy trình sản xuất tinh bột giàu tinh bột kháng từ chuối tiêu phục vụ sản xuất thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, vận hành cống thủy lợi - hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy và xây dựng mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh; xây dựng nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển Hải Dương đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; nghiên cứu thực trạng, đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt các đề tài, nhiệm vụ khoa học năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cần bám sát sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương tại buổi làm việc với sở trong tháng 11 vừa qua và ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng KHCN tỉnh. Quan tâm đặt hàng nhiệm vụ khoa học đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có năng lực để có thể đổi mới, đa dạng trong các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để bảo đảm các điều kiện thực hiện các đề tài, nhiệm vụ hiệu quả nhất. Mỗi thành viên hội đồng cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, có nhiều đóng góp hơn nữa vào các nhiệm vụ khoa học chung của tỉnh, để các nhiệm vụ khoa học sát thực tiễn, có tính ứng dụng cao và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thống nhất bỏ phiếu đồng ý thực hiện 31 nhiệm vụ khoa học mới thực hiện từ năm 2024 (tăng 13 đề tài, nhiệm vụ so với năm 2023), kinh phí thực hiện gần 40 tỷ đồng. Trong đó năm 2024 cấp kinh phí trên 24,3 tỷ đồng, còn lại cấp ở những năm tiếp theo. Năm 2024 thực hiện tổng số 62 đề tài, nhiệm vụ khoa học. Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ trình UBND tỉnh quyết định.
Hải Ninh