Lĩnh vực Giáo dục 2016-09-19 16:49:13

Theo quan niệm của Liên hợp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động, làm nền tảng cho sự phát triển các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

Năm 2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), dạy nghề; thực hiện đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng toàn diện về GD&ĐT; chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu lao động. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo nền tảng chất lượng cao của nguồn nhân lực với kết quả cụ thể như sau: 100% trường mầm non triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; 8% số trẻ được tiếp cận với tin học; 0,5% số trẻ được tiếp cận với ngoại ngữ; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Ở cấp Tiểu học, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 99,98% học sinh lớp 3,4,5 được học ngoại ngữ và 46,1% học sinh được học tin học; 99,9% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học được lên lớp 6. Ở cấp trung học cơ sở, 98,82% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung học phổ thông, bổ túc trung học, các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,16%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đại học, cao đẳng và du học đạt 50,71%. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp đạt 37,3% ở cấp mầm non, 87,9% ở cấp tiểu học, 47,4% ở cấp trung học cơ sở và 37% ở cấp trung học phổ thông.

Cùng với hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, việc thực hiện Đề án còn có tác động củng cố, nâng cấp hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; gắn đào tạo với sử dụng lao động đã qua đào tạo. Quy mô đào tạo đến năm 2015 của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 16.284 học viên; các trường trung ương là 13.251 học sinh, sinh viên.

Đồng thời, kết quả việc thực hiện Đề án cũng thể hiện ở chất lượng cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 32.000 cán bộ công chức, viên chức, trong đó 100% đạt chuẩn. Số lượng lao động được đào tạo và dạy nghề đạt 155.267 người, trong đó có 3.488 lao động đạt trình độ cao đẳng (chiếm tỉ lệ 2,25%), 7.617 lao động có trình độ trung cấp (chiếm tỉ lệ 4,9%), 50.640 lao động có trình độ sơ cấp (chiếm tỉ lệ 32,61%) và 93.522 lao động được đào tạo dưới 3 tháng (chiếm tỉ lệ 60,24%).

Bên cạnh các kết quả quan trọng đã đạt được như trên, việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 còn một số điểm hạn chế, tồn tại. Cụ thể là: Chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giáo dục phổ thông nặng về lý thuyết, trình độ ngoại ngữ và tin học thấp, giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa cao, còn xảy ra hiện tượng bạo lực học đường ở một số cơ sở giáo dục. Cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc không đúng ngành nghề có chiều hướng gia tăng. Chất lượng đào tạo tại chức, đào tạo các ngành nghề còn thấp, đặc biệt là kỹ năng làm việc thực tế. Ngoài điểm tồn tại về chất lượng giáo dục, đào tạo, đến nay các cơ sở giáo dục và đào tạo vẫn còn tình trạng nghèo nàn, xuống cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Một bộ phận cán bộ, giáo viên, giảng viên có trình độ tin học, công nghệ mới vào quản lý, dạy học còn hạn chế, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn thực tế chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chưa tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên, đó là: chương trình giáo dục đào tạo chung của cả nước bất hợp lý, nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành; cơ chế, chính sách và sự đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên chưa thỏa đáng; sự thay đổi về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa ngoại ngữ và tin học vào trường mầm non nên chỉ tiêu cho trẻ mầm non tiếp cận với tin học, ngoại ngữ chưa đạt. Nguồn đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên còn chắp vá, công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chưa thiết thực, hiệu quả. Cơ chế tuyển dụng giáo viên, giảng viên chưa toàn diện; việc phân cấp quản lý, tuyển dụng giáo viên khó kiểm soát, không hiệu quả; cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo còn nhiều bất cập. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề chưa thực sự năng động, tích cực trong việc nắm bắt xu hướng, nhu cầu xã hội về nhân lực.

Nguyễn Thị Ánh (Theo: Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.