Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến Hải Dương, nguồn cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 152 cơ sở lưu trú du lịch với trrrn 3.850 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn hạng 4 sao, 2 khách sạn hạng 3 sao, 13 khách sạn hạng 2 sao, 4 khách sạn hạng 1 sao; 30 đơn vị vận chuyển khách du lịch, 16 doanh nghiệp lữ hành; 27 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch và nhà hàng. Tiềm năng du lịch của tỉnh đã tạo nên một số sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa tâm linh Côn Sơn, Kiếp Bạc, du lịch sinh thái cộng đồng Đảo Cò, du lịch làng nghề gốm Chu Đậu… Tổng doanh thu của 158 doanh nghiệp được khảo sát du lịch tăng từ 763,9 tỷ đồng năm 2011 lên 1.260,1 tỷ đồng vào năm 2015; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2015 đạt 13,3%. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch này chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch, còn rời rạc và thiếu tính độc đáo. Để khắc phục hạn chế còn tồn tại và xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình sản phẩm du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch tỉnh Hải Dương và nghiên cứu nhu cầu của thị trường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu đề xuất và xây dựng mô hình hoạt động của 4 sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng bao gồm: du lịch văn hóa nghỉ dưỡng ở Côn Sơn – Kiếp Bạc, du lịch sinh thái cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam, du lịch làng nghề và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương – Thanh Hà.
Mô hình sản phẩm du lịch văn hóa nghỉ dưỡng ở Côn Sơn – Kiếp Bạc có điểm mạnh là di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là di tích và danh thắng đặc biệt quốc gia, nơi hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cảnh quan đứng từ góc độ du lịch. Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức 2 mùa trong năm đã nổi tiếng trên cả nước, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Mặc dù vậy, khu Côn Sơn – Kiếp Bạc chưa có điểm nhấn du lịch, các điểm tham quan còn đơn điệu, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, chưa có sản phẩm lưu niệm đặc thù. Trên cơ sở tiềm năng du lịch của Côn Sơn – Kiếp Bạc, có thể phát triển các sản phẩm du lịch chính bao gồm: du lịch tham quan di tích văn hóa lịch sử, tham gia các hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái tham quan tìm hiểu giá trị các hệ sinh thái rừng; du lịch thể thao leo núi, cắm trại; ngoài ra còn có thể phát triển du lịch nghỉ cuối tuần, dưỡng sinh, chữa bệnh, vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, dịch vụ ẩm thực, hội nghị, hội thảo… Các điểm du lịch bổ trợ gồm: khu di tích Phượng Hoàng, khu di tích Đền Sinh, Đền Hóa, các di tích trong Chí Linh Bát Cổ, chùa Thanh Mai, rừng Thanh Mai, rừng dẻ, hồ Bến Tắm, Ngũ Đài Sơn…
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam có ưu thế là nhu cầu du lịch cộng đồng có xu hướng ngày càng tăng, sản phẩm du lịch nông thôn đang ngày càng hấp dẫn khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Thị trường mục tiêu của sản phẩm du lịch này là khách du lịch nội địa ở Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các chuyến thực tế ngoại khóa của học sin, sinh viên Hải Dương; khách nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp ở Hải Dương. Tuy nhiên, yêu cầu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái Đảo Cò đòi hỏi hạn chế lượng khách quá đông và ồn ào khiến việc đầu tư du lịch ở đây bị hạn chế. Mô hình sản phẩm du lịch sinh thái Đảo Cò gồm 2 phân khu tương tác với nhau là khu trung tâm Đảo Cò và khu du lịch văn hóa cộng đồng. Khu trung tâm Đảo Cò với hệ thồng hồ, đảo và nơi cư trú của các loài chim sẽ có các sản phẩm du lịch như: tham quan khu bảo tồn đa dạng sinh học, câu cá, chèo thuyền bằng tay. Khu du lịch văn hóa cộng đồng có các sản phẩm: tham quan thưởng ngoạn phong cảnh làng quê bình yên, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân địa phương, đạp xe vãn cảnh đồng ruộng, chợ quê, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, tham gia lễ hội, trò chơi dân gian…
Mô hình sản phẩm du lịch làng nghề nhằm khai thác thế mạnh của Hải Dương là còn nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có những làng nghề nổi tiếng như giày da Hoàng Diệu, gốm Chu Đậu, gỗ Đông Giao, thêu ren Hưng Đạo. Mô hình chung đối với sản phẩm du lịch làng nghề là đón tiếp khách du lịch để giới thiệu về lịch sử làng nghề, sau đó đưa du khách tham quan sản phẩm tại các hộ gia đình làm nghề để đáp ứng nhu cầu tham quan, tham gia quy trình sản xuất, mua đồ lưu niệm, tổ chức các dịch vụ ăn uống, lưu trú và hoạt động trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Các hoạt động du lịch bổ trợ cho mô hình du lịch làng nghề có thể bao gồm hoạt động tham quan di tích lịch sử văn hóa, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng địa phương và thăm phong cảnh làng quê…
Mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương – Thanh Hà được xây dựng trên cơ sở vườn vải thiều Thanh Hà đã có uy tín và thương hiệu mang tầm quốc gia, có nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu và có ý định đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương – Thanh Hà bao gồm khu du lịch sông Hương với các hoạt động: đi thuyền trên sông, tham quan hệ sinh thái sông nước và chiêm ngưỡng cảnh quan, các hoạt động vui chơi giải trí thể thao trên mặt nước; và khu du lịch nhà vườn với các hoạt động tham quan cây vải tổ và tham gia sinh hoạt hàng ngày của người dân như thăm vườn cây ăn quả, tham gia các trò chơi dân gian của Thanh Hà gồm đánh đáo, nhảy dây, đi cầu thùm; thưởng thức các món ẩm thực đặc sản đồng quê từ rươi, ruốc, cáy, cà ra; xem biểu diễn văn nghệ truyền thống; đạp xe tham quan phong cảnh làng quê; trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương như thu hái quả, câu cáy, quăng chài…
Để các mô hình sản phẩm du lịch tỉnh Hải Dương được triển khai một cách hiệu quả, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý ở các khu du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng du lịch; xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch có trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn kỹ thuật đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá du lịch. Ban chủ nhiệm đề tài cũng nhấn mạnh nhóm giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn, trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh giáo dục, hướng dẫn du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa riêng; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về du lịch.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng cao và có tính khả thi, là căn cứ để Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp du lịch đưa vào kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc và dấu ấn của du lịch Hải Dương trong lòng du khách.
Nguyễn Thị Ánh