Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: trong năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả rất tích cực. Đã có gần 40 tỉnh/thành phố bố trí kính phí cao hơn mức thông báo của Trung ương. Ngành Khoa học và Công nghệ đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN đã có bước phát triển hơn, có thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn trích lập quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những kết quả rõ nét, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP của các địa phương, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu.
Các kết quả KH&CN ngày càng tham gia sâu vào các ngành, lĩnh vực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển KT-XH, cụ thể thông qua Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2023 tăng hơn năm 2022 (44,8%, so với 43,8%); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên 47,45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế...
Các địa phương đã khẩn trương, kịp thời cụ thể hoá, ban hành chương trình/kế hoạch thực hiện một số chủ trương quan trọng về KHCN&ĐMST: về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái KNĐMST; chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá; thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ… các kết quả, thành tựu chung của ngành KH&CN có sự đóng góp rất to lớn của KH,CN&ĐMST ở các địa phương.
KH&CN tiếp tục có những đóng góp đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhiều kết quả KH&CN, tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành dịch vụ, văn hóa, du lịch... tại địa phương. Các sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển; nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển KT-XH của địa phương, của vùng và cả nước.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trình bày tham luận: Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch năm 2025 và một số điểm lưu ý trong sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN ở địa phương; Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN 2013; Xây dựng và vận hành cổng Truy xuất nguồn gốc quốc gia…Các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN tại địa phương, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý từng bước đưa KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, của vùng và cả nước. Hoạt động KNĐMST, phát triển hệ sinh thái KNĐMST được triển khai tích cực, hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, đã hình thành thế hệ doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận thị trường toàn cầu.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Ngành Khoa học và Công nghệ toàn quốc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về KH,CN&ĐMST, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử; rà soát sửa đổi các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế đầu tư và tài chính cho hoạt động KH&CN, xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN,… tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ và thương mại hoá kết quả KH&CN tại địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương và vùng; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, chương trình phát triển KT-XH của địa phương; có giải pháp cụ thể khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và quần chúng nhân dân.
Tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái KNĐMST địa phương; tham gia tích cực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đẩy mạnh phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; thương mại hóa kết quả KH&CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực tại địa phương.
aBộ trưởng đề nghị các Sở KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN hoàn thiện thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013, các quy định về cơ chế tài chính, đầu tư cho hoạt động KH&CN (sửa Nghị định số 95/2014/NĐ-CP); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 70/ 2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 về việc xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN...Tham mưu cấp thẩm quyền tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH; Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp cho phát triển KT-XH của các địa phương và vùng; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST; Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, tham gia tích cực vào phát triển hệ thống ĐMST quốc gia; tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; Tiếp tục triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (IPP).