Lĩnh vực Giáo dục 2015-07-21 14:54:50

      Đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm tích hợp một trong những giải pháp mang tính chiến lược góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ năm 2013 - 2015, Thạc sỹ Lê Bá Liên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý giao cho thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích hợp môn Ngữ văn và Lịch sử ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh Hải Dương" là một đề tài khoa học có tính thời sự và cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn và Lịch sử ở trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sau 3 năm nghiên cứu Thạc sỹ Lê Bá Liên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương cùng các cộng sự đã hoàn thành nghiên cứu lí luận về đổi mới phương pháp dạy - học theo quan điểm dạy học tích hợp và ứng dụng vào dạy học Ngữ văn và Lịch sử ở trường THCS. Xác định cơ sở tích hợp, các hướng tích hợp Ngữ văn và Lịch sử; đề xuất hệ thống phương pháp dạy học hai môn Ngữ văn và Lịch sử ở cấp THCS theo hướng tích hợp liên môn và tích hợp theo chủ đề. Biên soạn, xuất bản giáo trình cho sinh viên cao đẳng sư phạm ngành Văn - Sử, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy hai môn Ngữ văn và Lịch sử ở trường THCS, thiết kế hệ thống giáo án minh họa và một số đĩa hình dạy mẫu theo hướng tích hợp cả hai môn Văn - Sử. Môn Ngữ văn và Lịch sử là những môn học khoa học xã hội có nhiều mối quan hệ gần gũi, tạo cơ sở và những điều kiện cần và đủ cho dạy học tích hợp. Chương trình lịch sử tại cấp THCS được sắp xếp theo tiến trình thời gian, nên ta có thể thiết kế các chủ đề và dạy học theo chủ đề. Trong phạm vi đề tài này, để lựa chọn những chủ đề có thể tích hợp với kiến thức Ngữ văn trong dạy học, có thể lựa chọn các chủ đề như sau: Chương trình lớp 6 có thể thực hiện các chủ đề như “Văn minh phương Đông và phương Tây cổ đại”; Nền văn minh sông Hồng”; “Truyền thống yêu nước của dân tộc”. Chương trình lớp 7 có thể xây dựng các chuyên đề như “Xã hội phong kiến Châu Âu”; “Xã hội phong kiến Đại Việt”; “Truyền thống yêu nước của dân tộc (TK X - XIX)”; “Văn hóa Việt Nam (TK X - XIX)” và “Nhân vật lịch sử Việt Nam (TK X - XIX)”. Trong chương trình lớp 8, giáo viên có thể dạy học tích hợp theo các chuyên đề như “Việt Nam cuối thế kỷ XIX”; “Những chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”. Với chương trình lớp 9, giáo viên có thể thực hiện chương trình theo các chuyên đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời”; “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam”; “Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Hậu phương miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ”; “Cách mạng Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ”; Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến”. Dạy học theo chủ đề là một phương cách khắc phục được những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện nay. Trước hết, dạy học theo chủ đề sẽ giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, toàn diện về các lĩnh vực kiến thức. Quan trọng hơn là dạy học theo chủ đề sẽ thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sang tạo cho học sinh bởi nó không phụ thuộc vào khối lượng kiến thức quy định trong một giờ học. Đặc biệt, dạy  học theo chủ đề dễ tạo chiều sâu kiến thức, nâng cao hiệu quả môn học trong điều kiện hiện nay. Vì thế việc khảo sát trước thực nghiệm để xác  định nhu cầu và khả năng tích hợp, đánh giá thực trạng dạy và học theo quan điểm môn học độc lập, từ đó đề xuất các hướng tích hợp Văn - Sử, các phương pháp và biện pháp dạy học Ngữ văn và Lịch sử ở cấp Trung học cơ sở nhằm nâng cao chất lượng dạy học là một việc làm cần thiết. Đề tài đã tiến hành dạy thực nghiệm và dạy đối chứng tại 12 trường với tổng số tiết dạy là 288 tiết (gồm 192 tiết thực nghiệm và 96 tiết đối chứng). Đây là một hướng nghiên cứu mới và đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học 2 môn Ngữ văn và Lịch sử ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thực hiện mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học của ngành giáo dục tỉnh Hải Dương; góp phần thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay, hiện thực hóa tư tưởng tích hợp và phân hóa trong việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa các môn học ở THCS giai đoạn sau 2015.

Đề tài đã xác định các hướng tích hợp Văn - Sử trong dạy học Ngữ văn, các hướng tích hợp Sử - Văn trong dạy học Lịch sử ở trường Trung học cơ sở; đề xuất mô hình bài học Ngữ văn theo quan điểm tích hợp liên môn và tích hợp theo chủ đề; mô hình bài học Lịch sử theo các hướng: tích hợp từng phần, tích hợp toàn phần và tích hợp theo chủ đề; đề xuất các phương pháp dạy học Ngữ văn và Lịch sử theo hướng tích hợp Văn – Sử, góp phần nâng cao chất lượng dạy học hai môn Ngữ văn và Lịch sử ở cấp Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Việc dạy học tách biệt các môn học và phân môn trong nội bộ môn học ở trường THCS hiện nay dẫn đến tình trạng trùng lặp, dư thừa kiến thức, sự quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông, khiến nhiều giáo viên và học sinh tiếp cận nội dung bài học một cách phiến diện, độc lập, thiếu cái nhìn hệ thống và tổng thể khi kết nối các đơn vị kiến thức và kĩ năng nhằm phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Những nghiên cứu của đề tài chính là giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng trên. Những nghiên cứu lí luận của đề tài là minh chứng cụ thể cho định hướng đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm tích hợp, là sự đề xuất, định hướng về phương pháp và cung cấp tư liệu cho giáo viên Ngữ văn và Lịch sử cấp trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong việc thiết kế giáo án và tổ chức hoạt động dạy học theo hướng tích hợp Ngữ văn và Lịch sử. Kết quả đề tài là mộtgiải pháp khắc phục được tình trạng báo động về chất lượng dạy học hai môn Ngữ văn và Lịch sử hiện nay ở trường THCS, góp phần đổi mới phương pháp dạy – học, phát triển năng lực cho học sinh chứ không chỉ thiên về cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về lịch sử, đất nước, con người, để có trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, biết tôn trọng quá khứ, hiểu biết hiện tại và làm chủ tương lai, phát triển con người toàn diện và xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Nhờ tích hợp mà học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kĩ năng, phát triển phương pháp làm việc, có cách học tập thông minh, biết vận dụng sáng tạo kiến thức, kĩ năng và phương pháp trong hoạt động học tập. Cho đến nay, tích hợp vẫn là một xu thế dạy học hiện đại và ngày càng được quan tâm. Đây là một con đường để đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách dạy và cách học để góp phần giải quyết một số vấn đề của xã hội mới nảy sinh một cách kịp thời trong khi thực hiện chương trình giáo dục. Tích hợp còn giúp tiết kiệm thời gian dạy học, góp phần giảm tải chương trình, đồng thời đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động dạy học. Dạy học tích hợp liên môn, xây dựng các chuyên đề liên môn trong chương trình sẽ giúp học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng tổng hợp vào thực tiễn.

Hải Ninh

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.