Lĩnh vực Môi trường 2012-11-23 16:07:11

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn tấn vỏ thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường đồng ruộng do người dân sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn là do chất thải rắn phát sinh từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động trồng trọt. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng từ 35.000 đến hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật.

Thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, những năm gần đây, số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hơn chục nghìn tấn mỗi năm. Chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80 kg đến 90 kg/ha, riêng cho lúa là từ 150 kg đến 180 kg/ha, đã làm phát sinh bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại.

 

Tại tỉnh An Giang, theo kết quả điều tra của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, trong vòng 10 năm qua, lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng lên 4,5 lần nhưng ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cho môi trường lại chẳng tăng thêm phần nào.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường An Giang cho biết, tình trạng chung ở An Giang là, phần lớn các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con thải bỏ lại môi trường, chỉ có khoảng hơn 10% ve chai được bán và khoảng 20% thu gom lại và đốt bỏ, 5% sử dụng phương pháp chôn lấp. Chính vấn đề này đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, nhãn mác của các chai lọ đựng thuốc. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.
Còn tại Phú Yên, tuy chưa có thống kê chính thức về việc thải những chai, túi đựng hóa chất độc hại này ra môi trường, nhưng thử làm một phép tính đơn giản là Phú Yên có trên 72.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm phải sử dụng hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ có hàng triệu chai, túi đựng thuốc được vứt ra đồng ruộng, vườn tược. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40-55%. Mới chỉ có trên 60% số thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ bao bì, hoá chất bảo vệ thực vật cũng được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện như Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Long... Song, các biện pháp này được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng phuy chứa, không có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.
Do vậy, Nhà nước phải có những chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý chất thải rắn. Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn. Dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn ở từng địa phương, để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tích cực sử dụng biện pháp sinh học, vật lý, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học, đặc biệt khi sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc "4 đúng". Đối với các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần có nghiên cứu cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường.
Theo: monre, ngày 23/11

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.