Lĩnh vực XHNV 2013-12-11 02:04:46

Từ thành phố Hải Dương theo Quốc lộ 5 hướng Hà Nội về Hải Phòng khoảng 15 km đến ngã ba Lai Khê rẽ trái tới Phà Mây, sau đó tiếp tục rẽ phải đến Uỷ ban nhân dân xã Lạc Long, huyện Kinh Môn du khách sẽ được hưởng ngoạn một nét đẹp văn hóa nổi tiếng tại một vùng quê yên ả, thanh bình đó là di tích Đình Phương Quất.

Di tích Đình Phương Quất gắn liền với việc tôn thờ bà Trần Thuý Hồng, một nữ tướng có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

Theo sử sách để lại thì trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) dưới trướng của Trần Hưng Đạo có 3 anh em ruột họ Trần đều là tướng tài, trong đó có người em gái thứ 2 là Trần Thuý Hồng, cả 3 anh em đi đánh trận về dừng chân tại gốc đa làng Quýt (Tức Phương Quất hiện nay) mở yến tiệc ăn mừng chiến thắng. Sang cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1287), cả 3 anh em được cử đi đánh trận cuối cùng tại Bạch Đằng giang, trong lúc giao chiến, Trần Thuý Hồng bị thương rút về đến địa phận xã Lạc Long và mất tại đây. Tương truyền, mộ của Bà bị mối xông thành đống, nhân dân xã thấy thế tâu về triều đình và xin lập miếu thờ Bà làm Thành Hoàng làng. Sang thời hậu Lê, nhân dân xây dựng đình ngay trên phần mộ của Nữ tướng Trần Thuý Hồng để thờ phụng. Truyền rằng từ đó về sau Đình linh thiêng hiển ứng được các triều đại sắc phong và cho phép dân làng tu sửa Miếu-Đình để ngàn năm hương hoả, phụng thờ.
Đình được khởi dựng vào thời hậu Lê, công trình mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn, gồm 5 gian Đại bái và 3 gian hậu cung, Đình quay hướng Tây. Đầu thế kỷ XX vào năm Khải Định Nhị Niên 1917, Đình Phương Quất được trùng tu lớn và quay theo hướng Nam.
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, đình Phương Quất là trụ sở Uỷ ban lâm thời của xã, là nơi đóng quân của Vệ quốc quân, đồng thời là tâm điểm hoạt động của cán bộ cách mạng địa phương và trong vùng. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi đây là cơ sở hoạt động cách mạng của cán bộ và nhân dân địa phương, đã diễn ra Đại hội Đảng bộ xã Lạc Long lần thứ Nhất tháng 3/1960.
Trải qua những biến động lịch sử và thăng trầm của thời gian, ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền điạ phương và Ban quản lý di tích; sự hảo tâm tài trợ của nhân dân địa phương và quý khách thập phương, những năm gần đây Đình Phương Quất được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Đại bái và 2 gian hậu cung. Phần mộc chất liệu chủ yếu bằng gỗ lim, các chi tiết có kích cỡ khá lớn, cột cái và cột quân đường kính từ 31 đến 37cm. Các vì kèo chính kết cấu kiểu "Con chồng, giá chiêng" có khá nhiều bức trạm nghệ thuật thể hiện nhiều đề tài mang đậm nghệ thuật truyền thống như: "Trúc hoá long", "Cúc hoá long", "Lá lật hoá long", "Độc long", "Mai hoá long", "Cây hoa cúc uốn khúc mềm mại thành cuốn thư" cách điệu hết sức nghệ thuật và sinh động. Trên các vì nách của các vì kèo gồm các mảng cốm mô tả các đề tài Long, Ly, Quy, Phượng. Điều thú vị là các linh vật được thể hiện rất phù hợp với từng môi trường như: Rùa ở hồ sen (tức là ở dưới nước) Phượng bay trên trời, hoặc trên nền chữ triện thể hiện bộ tứ quý: Tùng - Trúc - Cúc - Mai hoá long hết sức nghệ thuật...Di tích hiện còn lưu giữ được một số cổ vật quý như: 1 Cuốn thư bằng gỗ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX); 1 Thống đá dựng vào năm Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821); 4 bia đá hậu thần và một số đồ tế tự khác.
Hàng năm, vào ngày 01 tháng 4 âm lịch, nhân dân xã tổ chức lễ hội truyền thống Đình Phương Quất, nhằm ôn lại lịch sử truyền thống tốt đẹp của ông, cha ta; đồng thời để cán bộ và nhân dân địa phương cũng như quý khách thập phương đến làm lễ dâng hương cầu phật, cầu may, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc; cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội duy trì các trò chơi dân gian truyền thống như: Cầu thùm, đập niêu, chọi gà, kéo co, cờ tướng và các môn thể thao như: Cầu lông, bóng chuyền... Đó là nét đẹp văn hoá truyền thống mà chúng ta cần phát huy, gìn giữ. Sau mỗi mùa Lễ hội để cho mọi người dân tăng thêm niềm vui, phấn khởi, tăng thêm sự đoàn kết gắn bó cùng nhau phát triển kinh tế gia đình và có trách nhiệm cao hơn trong việc góp công, góp của trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích Quốc gia.
Từ những giá trị về lịch sử học và những di, cổ vật. Đình Phương Quất được Bộ Văn hoá-Thông tin xếp hạng là "Di tích Quốc gia" ngày 04/6/2007. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân trong làng mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Lạc Long thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của di tích mà ông cha ta từ ngàn xưa đã tạo dựng.
Hòa Thuận

Tin khác

Hải Dương: Xây dựng 4 mô hình du lịch tiêu biểu (30/08/2016)

Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản phẩm du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2010” (28/08/2016)

Xác định danh mục di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương (13/11/2015)

Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân (31/03/2014)

Mặt trận tổ quốc tỉnh Hải Dương với công tác phản biện xã hội (17/03/2014)

Đông Dương Tự - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (21/02/2014)

Đầu xuân đi lễ hội truyền thống Đền Long Động (20/01/2014)

Nghiệm thu đề tài “Đánh giá hiện trạng việc thực hiện Pháp lệnh, quy chế dân chủ ở cơ sở" (31/12/2013)

Làng nghề giầy da Hoàng Diệu (30/12/2013)

Ghi chép, biên soạn sách những sự kiện lịch sử tỉnh Hải Dương. (31/10/2013)

Nghiên cứu cơ chế phản biện xã hội nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận tổ quốc các cấp (02/10/2013)

Mái nhà chung của các nữ doanh nhân tỉnh Hải Dương (21/01/2013)

Khu di tích thờ bà Nguyễn Thị Trị, tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ (14/11/2012)

Công an tinh Hải Dương tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự (23/05/2012)

Khai mạc Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và các di tích Nho học Hải Dương (22/05/2012)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.