Lĩnh vực Y tế 2018-10-26 15:45:51

Phẫu thuật thay khớp háng là phẫu thuật dùng khớp nhân tạo để thay thế phần khớp đã hư hỏng nhằm phục hồi những chức năng vốn có của khớp, là một trong những thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y học. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, thay khớp háng được thực hiện từ những năm 2009 nhưng số lượng bệnh nhân rất ít. Từ tháng 1/2014 đến nay, phẫu thuật thay khớp háng ứng dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn đã được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương  tuy nhiên bệnh viện chưa xây dựng được thành quy trình chuẩn và các phẫu thuật viên cũng chưa thực sự làm chủ được kỹ thuật tiến bộ này.

Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện đề tài “Ứng dụng đường mổ ít xâm lấn trong phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương” chủ nhiệm đề tài là Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thực hiện đề tài góp phần phát triển các kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng điều trị, khẳng định thương hiệu của Bệnh viện, mở đầu cho các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn đang là xu thế của y học hiện đại, giúp cho ngành y tế có được những dữ liệu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sau 1 năm thực hiện nghiên cứu trên 50 người bệnh được phẫu thuật thay khớp, có 18 người bị mắc các bệnh kèm theo, trong đó một số người mắc nhiều bệnh. Có 01 người bệnh gãy cổ xương đùi phải bị liệt ½ người bên trái, tăng huyết áp. Tỷ lệ bệnh nhân từ khi bị gãy cổ xương đùi đến khi nhập viện từ>14 ngày chiếm tỷ lệ cao nhất 74%, lượng máu mất trung bình khoảng 268,5 ml. Tỷ lệ truyền 250 ml máu trong và sau mổ chiếm tỷ lệ cao nhất 62%, truyền 750 ml chiếm tỷ lệ thấp nhất 14%, số lượng máu truyền trung bình 380 ml. Thời gian phẫu thuật từ > 60 - 75 phút chiếm tỷ lệ cao nhất 46%, thời gian phẫu thuật trung bình 69,7 phút. 100% số trường hợp phẫu thuật đạt yêu cầu về kỹ thuật 100% số trường hợp đặt khớp đúng vị trí, độ vững của khớp tốt, biên độ vận động tốt. Không bịbiến chứng như: Vỡ ổ cối; tổn thương thần kinh; tổn thương mạch máu lớn; gãy thân xương đùi.100% liền vết mổ kỳ đầu, không có trường hợp nào bị nhiễm khuẩn.Người bệnh tập đi từ sau phẫu thuật 5 - 21 ngày 44 người bệnh (44 khớp).Người bệnh tập đi từ sau phẫu thuật>3 tuần 6 người bệnh. Thay khớp háng toàn phần không xi măng có số lượng nhiều nhất 35%, không có trường hợp nào thay khớp háng toàn phần có xi măng, thay khớp háng bán phần không xi măng chiếm tỷ lệ 20%, khớp háng bán phần có xi măng chiếm 10%, trong đó 4 trường hợp gãy cổ xương đùi, 1 trường hợp gãy liên mấu chuyển. Tỷ lệ thay khớp háng không xi măng nhiều nhất chiếm 90%, tỷ lệ thay khớp háng có xi măng chiếm 10%, đó là các trường hợp thay khớp háng bán phần có chỉ số singh ở độ 2,3 không có trường hợp nào lỏng dụng cụ.

Qua nghiên cứu 50 bệnh nhân thay khớp háng bằng đường mổ ít xâm lấn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nam chiếm 60%, độ tuổi hay gặp nhất 50-70 tuổi, trường hợp ít tuổi nhất là 33 tuổi, trường hợp cao tuổi nhất là 94 tuổi. Tỷ lệ hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và thoái hóa khớp háng chiếm tỷ lệ cao 60%; có 18/50 trường hợp mắc các bệnh nội khoa kèm theo như các bệnh về tim mạch (11 trường hợp), bệnh đái tháo đường (7 trường hợp). Số lượng bệnh nhân từ khi bị tổn thương khớp háng đến khi nhập viện phẫu thuật lớn hơn 14 ngày chiếm tỷ lệ cao nhất 74%. Những trường hợp từ khi khi bị tổn thương khớp háng đến khi nhập viện phẫu thuật 8-14 ngày đó là những bệnh nhân gãy cổ xương đùi hoặc gãy liên mấu chuyển xương đùi, những trường hợp này vùng khớp còn sưng nề nhiều cần phải điều trị nội khoa giảm phù nề sau đó mới phẫu thuật, có trường hợp là người cao tuổi mắc các bệnh nội khoa như tim mạch, tiểu đường cần phải điều trị các thuốc tim mạch và tiểu đường ổn định và nâng cao thể trạng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thay khớp bằng kỹ thuật đường mổ nhỏ lối sau dài từ >7 cm đến 8 cm với đa số các trường hợp. Không có trường hợp nào bị biến chứng trong và sau phẫu thuật. Kết quả phục hồi chức năng 94% rất tốt và tốt; 2% trung bình. Thay khớp háng bằng kỹ thuật đường mổ nhỏ lối sau đạt kết quả cao; Thời gian mổ ngắn, mất máu ít, có thể mở rộng khi cần thiết, đau ít, tập vận động sớm, hồi phục sức khỏe nhanh, xuất viện sớm. Ưu điểm là bảo vệ thần kinh tọa tốt, bệnh nhân sau mổ ít đi khập khiễng hơn so với lối trước và khớp vững nên ít có nguy cơ trật khớp, tuy nhiên đường mổ nhỏ cần phải có trợ cụ thích hợp, đồng bộ với loại khớp sử dụng. Trong 50 bệnh nhân nghiên cứu lượng mất máu trung bình trong mổ 268,5 ml. Thời gian mổ trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 69,7 phút. Mặc dù đường mổ nhỏ có khó khăn trong nắn chỉnh khớp nhân tạo nhưng thời gian mổ thay khớp với đường mổ nhỏ cũng tương tự thời gian mổ với đường mổ kinh điển.

Biến chứng ít gặp trong phẫu thuật thay khớp với đường mổ nhỏ, 100% số bệnh nhân không có biến chứng chảy máu trong và ngay sau phẫu thuật. Vỡ xương ổ cối hoặc đầu trên xương đùi, thân xương đùi v.v. bóc tách phần mềm vừa đủ để thuận lợi cho các bước kỹ thuật; dùng các banh Hohmann để bộc lộ rõ ổ cối và cổ khớp; dùng dùi thăm dò ống tủy và khoan ống tủy bằng tay ở người bệnh già có tiêu loãng xương; doa ổ cối đúng hướng, làm sạch các tổ chức thoái hóa ở viền ổ cối để đặt ổ cối được dễ dàng và tránh phải đóng ổ cối với lực quá mạnh; với người có thoái hóa tiêu xương nhiều thì nên dùng khớp có xi măng.Tỷ lệ tổn thương thần kinh hông to khoảng từ 0,7% đến 3,5%. Ở nghiên cứu này không có biến chứng tổn thương thần kinh thực hiện tách hết lớp cơ bộc lộ rõ bao khớp phía sau; chỉ cắt bao khớp ở phần được nhìn thấy và đảm bảo dây thần kinh không bị trượt vào vùng cắt bao khớp; khi doa ổ cối phải che chắn thật tốt không để phần mềm cuốn theo gây căng kéo dây thần kinh; đặt ống dẫn lưu và khâu bao khớp cũng cần được kiểm soát tốt. Còn về trường hợp có co kéo khớp háng nhiều ở người bệnh có gãy cổ xương đùi đến muộn từ 2-3 năm, thay khớp và cân bằng phần mềm thích hợp, không có biểu hiện dị cảm hay bán liệt do căng giãn thần kinh hông to gây nên.Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Người già yếu, quá béo; có bệnh đái đường; nghiện rượu; thời gian nằm viện trước mổ lâu do các bệnh kèm theo; thời gian mổ lâu; có đọng dịch máu nhiều trong khớp sau phẫu thuật; các phần có liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của kíp phẫu thuật, dụng cụ-vật tư tiêu hao trong phẫu thuật v.v. Kỹ thuật đặt đúng vị trí của khớp nhân tạo cả ổ cối và chuôi chỏm là rất quan trọng. Giải quyết vấn đề lỏng khớp do cân bằng phần mềm trong lúc phẫu thuật không khó khăn, chỉ cần nhận biết chính xác và đặt chiều dài cổ khớp cho phù hợp.

Có 20 trường hợp gãy cổ xương đùi và gãy liên mấu chuyển xương đùi , trong đó 14 trường hợp gãy xương ở nhóm người già > 60 tuổi, 6 gãy xương ở nhóm người từ 50 - 60 tuổi. Loại khớp thay: 5 khớp bán phần bipolar có xi măng. Hầu hết ở người > 60 tuổi, có chỉ số Singh độ 2,3, khi họ được thay khớp sử dụng xi măng có thể tập đứng và đi từ ngày thứ 5 sau phẫu thuật. Trong đó, có một người bệnh nam 94 tuổi đánh giá phục hồi chức năng rất tốt ở tháng thứ 12 và một người bệnh nữ 86 tuổi được đánh giá phục hồi chức năng tốt ở tháng thứ 5. Kết quả không có trường hợp nào bị biến chứng cho cả hai nhóm thay khớp có xi măng và không có xi măng. 20 trường hợp gãy cổ xương đùi được kiểm tra sau thay khớp có kết quả như sau: 89,3% rất tốt và tốt; 7,1% khá; 3,6% trung bình., thay khớp háng bán phần bipolar điều trị gẫy cổ xương đùi của người già rất hiệu quả, giúp họ có thể đi lại sinh hoạt bình thường.

Ưu điểm nổi trội của khớp háng toàn phần không xi măng là tuổi thọ của khớp trong cơ thể người bệnh cao hơn so với khớp toàn phần có xi măng hoặc khớp bán phần và khi phải thay lại khớp thì thực hiện kỹ thuật dễ hơn khớp toàn phần có xi măng. Khi thay 35 khớp háng toàn phần tất cả là khớp háng toàn phần không xi măng,  cả 35 trường hợp đều đạt kết quả rất tốt và tốt.

Khi nghiên cứu 50 bệnh nhân thay khớp háng tất cả 50 bệnh nhân khớp vững đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ lỏng chuôi < 2,5% trong 3 năm đầu; 22 (23,4%) khớp phải thay lại do lỏng khớp, trong đó 91% số khớp được thay lại có lỏng ổ cối. Nguyên nhân dẫn đến lỏng ổ cối là do thiếu lực ép xi măng vào xương; xương bị khuyết hoặc doa không chuẩn làm cho ổ cối nhân tạo không được ôm khít; xi măng không dàn đều bề mặt tiếp xúc của ổ cối nhân tạo hoặc không dày đều do ép ổ cối nhân tạo quá chặt khi xi măng còn đang lỏng; giữ ổ cối không ổn định trong thì ép xi măng; cỡ ổ cối nhân tạo quá nhỏ so với ổ cối của người bệnh dẫn đến lớp xi măng quá dày và không giữ ổn định ổ cối được; ổ cối đặt sai vị trí; tiêu loãng xương.

Theo hệ thống thang điểm của Merle D’Aubigne’ - Postel để đánh giá kết quả thu được như sau: Rất tốt 33 bệnh nhân, chiếm 66%, Tốt 14 bệnh nhân, chiếm 28%; Khá: 2 bệnh nhân, chiếm 4%; Trung bình: 1 bệnh nhân, chiếm 2% và không có bệnh nhân xấu.

Sau một năm nghiên cứu và thực hiện, Ban chủ nhiện Đề tài đã đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng qua đường mổ ít xâm lấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trên 50 bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp toàn phần và bán phần bằng đường mổ ít xâm lấn, trong đó 30 bệnh nhân hồi cứu và 20 bệnh nhân nghiên cứu tiến cứu (5 khớp háng bán phần và 15 khớp háng toàn phần). Đối với 20 bệnh nhân nghiên cứu tiến cứu, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, Đề tài đã hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân tiền khớp nhân tạo với mức 15,0 triệu đồng/bệnh nhân thay khớp háng toàn phần; 12,5 triệu đồng/bệnh nhân thay khớp háng bán toàn phần. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân thay khớp háng còn được hỗ trợ kinh phí thuê bộ trợ cụ phục vụ phẫu thuật là 4,5triệu đồng/bộ/bệnh nhân.

Thay khớp háng nhân tạo ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lứa tuổi nhóm bệnh nhânthay khớp háng nhân tạo ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Kỹ thuật đường mổ nhỏ ít xâm lấn lối sau có nhiều ưu điểm: Thời gian phẫu thuật nhanh hơn, ít mất máu hơn, ít nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn, trật khớp sau phẫu thuật, phục hồi sức khỏe và chức năng chân bên thay khớp nhanh hơn; nhưng đường mổ nhỏ cần phải có trợ cụ thích hợp đồng bộ với loại khớp sử dụng và phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm.

Hải Ninh

Tin khác

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo mối nguy hại của thuốc lá điện tử (27/07/2021)

Ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan (25/06/2021)

Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng (10/05/2021)

Đã có 7.079 người được tiêm vaccine Covid-19 (15/03/2021)

Hải Dương đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong chống dịch (02/03/2021)

Bộ Y tế: Ổ dịch ở Hải Dương cơ bản được kiểm soát (20/08/2020)

Malaysia phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn 10 lần (17/08/2020)

Tiến sĩ Phạm Quang Thái: Hải Dương sẽ có thêm người mắc Covid-19 (17/08/2020)

Hướng dẫn xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học (23/04/2020)

WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (11/03/2020)

Kỷ nguyên mới cho truyền máu Việt Nam (23/08/2016)

Căn bệnh ung thư phổ biến nhưng khó phát hiện nhất hiện nay (02/08/2016)

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào (17/07/2016)

Ứng dụng sinh học phân tử (PCR) trong chẩn đoán và điều trị viêm dạ dày ở bệnh nhân nhiềm vi khuẩn Helicobacter pylori trên địa bàn tỉnh Hải Dương (26/06/2016)

Áp dụng thành công kỹ thuật trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân suy hô hấp nặng (05/06/2016)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.