Nước ngọt có gas không phải là nước giải khát tốt

   Nếu đang đi ngoài nắng hoặc làm việc trong điều kiện nắng nóng mà có một ly nước, kể cả nước ngọt có gas để lạnh hay thêm đá uống vào, sẽ thấy "thật đã khát" hơn là một ly nước lạnh thông thường. Lý do, ngoài phần nước và độ lạnh của đá, vị ngọt của nước đường làm dịu vị giác, đặc biệt là những bọt khí carbonic (CO2) lăn tăn trong nước có gas tác động vào gai lưỡi và vòm họng đem lại cho người uống một cảm giác tê tê, lành lạnh thật đã, thật sảng khoái, "tưởng chừng như" làm dịu ngay cơn khát. Thêm vào đó, chất đường và cafein có trong nhiều loại nước ngọt còn là một chất kích thích gây thêm cảm giác sảng khoái. Còn gì bằng!  Thế nhưng sau đó một lúc, cơn khát lại dậy lên vì nồng độ đường cao làm ta khát nước thêm. Và ta muốn uống tiếp!   Cứ thế, người ta cứ uống, và các hãng nước ngọt cứ quảng cáo và phát triển không ngừng!

 

  Vấn đề đặt ra là: Giải khát bằng nước ngọt vô chai, đóng lon có gas: lợi hay hại cho sức khỏe? Ngày nay, nếu tìm trong Google search từ "Soft drink", bạn sẽ thấy vô vàn tác hại. Soft drink (tiếng Mỹ, còn gọi là soda, pop, soda pop, hay carbonated beverage), như Coca Cola (Coke), Pepsi, Sprite, 7 Up, Xá xị, Trà Dr Thanh, Trà xanh 0 độ, Chương dương, Tribeco... là thức uống ngọt, chứa nước được carbonat hóa, chất làm ngọt và chất cho mùi vị...

  Chất làm ngọt có thể là đường, xi rô bắp giàu fructose (high fructose corn sirup) làm từ bắp đường hóa, hoặc một chất thay thế đường (dùng cho người cữ đường). Ngoài ra còn có cafein và hương liệu hóa học, hoặc nước ép trái cây, chiết xuất thảo mộc.....

Tác động trên sức khỏe:

  Uống nước ngọt có gas chứa đường có liên hệ đến bệnh béo phì, tiểu đường type 2, sâu răng, và suy dinh dưỡng. Nhiều loại nước giải khát chứa các thành phần đáng quan ngại: cafein dùng nhiều sẽ gây kích thích và mất ngủ. Tác động trên sức khỏe của xi rô bắp là vì fructose từ bắp và chất làm ngọt nhân tạo (đường hóa học) còn nhiều bàn cãi... Sodium benzoat đã được khảo cứu cho thấy có thể là nguyên nhân gây tổn hại DNA (phần tử chính mang mã di truyền) và tăng tính hiếu động... Các chất có ảnh hưởng bất lợi khác cho sức khỏe, trong đó có benzen (một chất có nguy cơ gây ung thư).

  Năm 1998, Trung tâm khoa học về lợi ích cộng đồng ở Mỹ đã công bố một báo cáo đặt vấn đề: "Nước ngọt có gas đang gây hại cho sức khỏe người Mỹ". Báo cáo đã xem xét các thống kê liên hệ đến việc tăng vọt mức tiêu thụ nước ngọt có gas, đặc biệt là ở trẻ em, và hậu quả là gia tăng các vấn đề về sức khỏe như: sâu răng, suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường type 2 (trước đây chỉ xảy ra ở người lớn) và bệnh tim mạch. Cơ quan này cũng xem xét lại việc quảng cáo nước ngọt và đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giảm việc tiêu thụ nước ngọt có gas.

Béo phì và những bệnh có liên hệ đến tăng cân:

  Từ năm 1977 đến 2001, mức tiêu thụ nước ngọt có gas của người Mỹ tăng gấp đôi, một cái đà gia tăng song song với việc tăng gấp đôi số người mắc bệnh béo phì. Việc tiêu thụ nước ngọt có gas liên hệ đến thể trọng và béo phì, đồng thời làm thay đổi những con số nguy cơ về tăng thể trọng. Một khảo cứu trên 548 học sinh trong vòng 19 tháng cho thấy việc tiêu thụ nước ngọt có gas có liên quan đến sự thay đổi chỉ số thân khối (BMI). Mỗi chai (hoặc lon) nước ngọt trẻ uống thêm hàng ngày đi kèm với sự gia tăng BMI lên 0,24 kg/m2. Cũng vậy, một khảo cứu trong vòng 8 năm trên 50.000 nữ điều dưỡng để so sánh sự tăng trọng giữa những người từ không uống nước ngọt đến uống hơn 1 lon/ngày, với những người từng uống hơn 1 lon/ngày nay hầu như không uống nước ngọt nữa, thì thấy những phụ nữ uống thêm nước ngọt tăng trung bình thêm 8 kg trong thời gian theo dõi, so với những phụ nữ giảm uống nước ngọt chỉ tăng trung bình 2,8 kg. Người uống càng nhiều nước ngọt có gas thì càng tăng cân nhiều. Sở dĩ uống nước ngọt có gas bị như thế là vì chất ngọt từ đường bắp (corn sirup) mà nước ngọt ngày nay phần lớn chứa đường fructose mà trong cơ thể không cần có insulin nó cũng biến thành mỡ thừa nên gây mập!

Uống nước ngọt có gas cũng liên hệ với nhiều bệnh thường gặp ở người thừa cân, bao gồm hội chứng chuyển hóa mà biểu hiện là thừa cân, tiểu đường, huyết áp cao, nguy cơ tim mạch và cuối cùng là rút ngắn tuổi thọ!

Sâu răng:

  Hầu hết nước ngọt có chứa một lượng lớn đường đơn: glucose, fructose, saccarose... Vi khuẩn trong miệng làm lên men các loại đường bột và tạo ra acid, làm hủy hoại lớp men răng. Nhiều loại nước giải khát có gas đều có tính acid, một số loại có pH = 3, hay thấp hơn, nên sẽ ăn mòn men răng.

  Do đó, uống nước ngọt có gas thường xuyên càng tăng nguy cơ bị sâu răng.

Giảm kali/huyết:

  Đã có những báo cáo về một số trường hợp giảm kali/huyết nghiêm trọng liên quan đến uống quá nhiều nước ngọt có gas.

Giảm tỷ trọng xương (loãng xương):

  Có nghiên cứu cho rằng có mối liên quan trái chiều giữa tiêu thụ nước giải khát có gas và tỷ trọng xương ở các cô gái trẻ, khiến họ có nguy cơ cao sẽ bị loãng xương, gãy xương trong tương lai.

  Một giả thuyết được đưa ra để giải thích: đó là do chất acid phosphoric chứa trong một số nước có gas (như Coca Cola) sẽ làm chuyển calci ra khỏi xương, do đó làm giảm tỷ trọng xương, làm cho bộ xương yếu đi (loãng xương). Trong những thập kỷ 1950 - 1960, tại Pháp và Nhật đã có ý định cấm bán Coca Cola vì nguy cơ chất phosphat trong loại nước giải khát này có thể ngăn cản sự hấp thu calci. Nhưng ý định này không đạt kết quả vì người ta đã chứng minh lượng phosphat quá ít để có thể gây tác động có ý nghĩa.

Giá trị dinh dưỡng:

  Trừ những loại nước có tăng cường thêm chất dinh dưỡng, nước ngọt có gas hầu như không chứa vitamin, chất khoáng, chất xơ, chất đạm và những chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Nước giải khát có gas cũng thay thế sự lựa chọn các loại nước giải khát tốt cho sức khỏe khác như nước, sữa, nước ép rau quả nên làm tăng nguy cơ thiếu dinh dưỡng cho người dân...

Chất đường:

  Lượng đường chứa trong nhiều loại nước ngọt thường cao hơn lượng đường được khuyên dùng hàng ngày (theo khuyến cáo của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, không dùng quá 10 muỗng cà phê đường cho một khẩu phần 2.000 calo/ngày).

  Cho đến năm 1985, lượng calo trong nước ngọt là do đường mía hay xi rô làm từ bột bắp. Từ năm 2010, ở Mỹ và các nước khác, hầu như dùng hoàn toàn xi rô bắp có tỷ lệ fructose cao (high fructose corn sirup), vì nó rẻ tiền so với các loại đường khác. Loại đường bắp chứa fructose cao này bị chỉ trích là có nhiều tác động xấu đến sức khỏe như là gây bệnh tiểu đường, tăng động, tăng huyết áp và nhiều vấn đề khác nữa. Đường fructose bị hấp thu và chuyển hóa nhanh hơn đường glucose do men fructokinase không bị tiết chế bởi sự chuyển hóa hoặc hormon, đưa đến sự tạo ra các acid béo và triglycerid ở gan với tốc độ quá nhanh, làm tăng sự tích tụ mỡ trong cơ thể và có thể gây chứng gan nhiễm mỡ không do rượu.

  Sự gia tăng lipid trong máu hình như cũng do sử dụng thường xuyên fructose.

Phản ứng của các cơ quan chức năng:

  Trước những hiểm họa đối với sức khỏe người dân mà các loại nước ngọt có gas có thể gây ra, chính quyền ở một số nước đã từng đề ra nhiều biện pháp để hạn chế:

  Ở Mỹ, nhiều bang đã cấm đặt các máy bán nước ngọt gần trường học vì cho rằng nước ngọt sẽ góp phần gây béo phì ở trẻ và sâu răng, nhưng cũng có nhiều ý kiến chống lại, đặc biệt là do những khoản tài chánh hậu hỷ mà các nhà sản xuất nước giải khát thường tài trợ cho các trường học.

  Ngày 3/5/2006, Hiệp hội nước giải khát Hoa Kỳ cùng các hãng sản xuất, trong đó có Coca Cola, Pepsi, Schweppes... đã ra tuyên bố tự nguyện rút các loại nước ngọt có năng lượng cao khỏi các trường học. Kế đến, ngày 25/5/2006, bộ trưởng giáo dục Anh cũng tuyên bố: từ tháng 9/2006, không dùng nước ngọt có gas trong bữa ăn trưa ở trường học và cũng không cho bán các thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng (trong đó có nước giải khát có gas) tại các máy bán nước ngọt hay quầy giải khát trong trường học.

  Các nhà làm luật cũng như các chuyên gia y tế và bảo vệ người tiêu dùng còn đề xuất phải tăng thuế đánh trên các loại nước giải khát có đường nhằm làm giảm tiêu thụ nước ngọt, giảm tệ nạn béo phì và các tác hại về sức khỏe khác, nhưng vẫn chưa có kết quả vì các hãng nước giải khát đã có vị thế quan trọng ở thủ đô Washington và từ năm 2000, họ đã đóng góp cho các nhà lập pháp hơn 50 triệu đô la!

  Năm 2003, Trung tâm khoa học và môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận tại Ấn Độ công bố một báo cáo phát hiện nồng độ thuốc trừ sâu trong nước giải khát Coca Cola và Pepsi bán ở Ấn Độ cao gấp 30 lần nồng độ an toàn cho phép ở châu Âu, nhưng Bộ y tế Ấn Độ thì cho rằng thử nghiệm của trung tâm kia không chính xác, vì thử nghiệm của bộ cho thấy nồng độ thuốc trừ sâu chỉ cao hơn mức tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng còn trong giới hạn tiêu chuẩn của Ấn Độ (!)

Benzen:

  Năm 2006, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm ở Anh Quốc công bố những kết quả khảo cứu về nồng độ benzen trong 150 sản phẩm nước giải khát có gas cho thấy 4 mẫu chứa nồng độ benzen cao hơn mức hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới về nước uống, nên đã yêu cầu rút các sản phẩm này ra khỏi thị trường.

  Tại Mỹ, FDA công bố những kết quả xét nghiệm nhiều loại nước giải khát có chứa benzoat và acid erythorbic. Năm mẫu chứa nồng độ benzen cao hơn tiêu chuẩn của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đề ra là 5 ppb. Sau đó, một nhóm hoạt động bảo vệ môi trường đã phát hiện những kết quả sau đây trong các xét nghiệm của FDA: trong 24 mẫu nước giải khát có gas không đường xét nghiệm có chứa benzen, từ 1995 - 2001, thì 19 mẫu (79%) chứa đến 19 ppb benzen, cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép. Một mẫu chứa đến 55 ppb, tức là cao gấp 11 lần tiêu chuẩn cho phép. Vậy mà, năm 2006, FDA phát biểu rằng "họ tin là nồng độ benzen tìm thấy trong các loại nước giải khát cho đến nay không tạo ra mối quan ngại nào cho người tiêu dùng(?!)".

Theo: www.khoahocphothong.com.vn/


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập161
  • Hôm nay40,735
  • Tháng hiện tại320,655
  • Tổng lượt truy cập4,636,075
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây