Nhà máy Sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời Quảng Nam là một trong những dự án công nghiệp rất phù hợp với nhu cầu xã hội, với bài toán phát triển và an ninh năng lượng của Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời công suất 120 MW/năm tại tỉnh Quảng Nam.
Phó Thủ tướng nêu rõ, những dự án sản xuất pin mặt trời, lắp đặt phong điện sẽ là những tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 5% cơ cấu năng lượng vào năm 2015 và 8% năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao, nguồn năng lượng truyền thống của thế giới cũng như Việt Nam đang cạn kiệt, thì việc tìm và phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... là hướng đi tất yếu.
Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, chính quyền địa phương nỗ lực đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, năm 2012 có sản phẩm đầu tiên đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, mong muốn nhà máy sẽ mở rộng quy mô, triển khai kế hoạch xây dựng Trung tâm Sản xuất điện năng lượng mặt trời đầu tiên của Việt Nam tại Quảng Nam.
Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương đầu tư 390 triệu USD xây dựng nhà máy trên diện tích gần 12 ha gồm 4 modul và các dây chuyền phụ trợ công nghệ châu Âu và Mỹ.
Chủ đầu tư cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương và sản phẩm sẽ được xuất khẩu 100% ra thị trường nước ngoài.
Trong giai đoạn sau đó, Nhà máy sẽ sản xuất sản phẩm phục vụ cho kế hoạch xây dựng trung tâm phát điện bằng năng lượng mặt trời tại Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất kính để khai thác hiệu quả nguồn cát trắng tại Quảng Nam làm nguyên liệu đầu vào hiện đang phải nhập khẩu.
Là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4 đến 5kWh/m2 mỗi ngày, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời.
Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có năng lượng mặt trời) và còn lại 75% vẫn chưa được khai thác.
Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua đã khiến cho nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm. Tuy nhiên, lĩnh vực điện năng đang chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Thiếu hụt nguồn cung cấp điện của Việt Nam cũng đang gia tăng, đặc biệt là vào mùa khô do sự phụ thuộc quá lớn vào thủy điện.
Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm ... Tiềm năng điện mặt trời tốt nhất ở các vùng Thừa Thiên Huế trở vào Nam và vùng Tây Bắc. Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.... và vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.... có năng lượng mặt trời khá lớn. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 300 đến 500 cal/cm2.ngày.
Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 1800 đến 2100 giờ. Như vậy, các tỉnh thành ở miền Bắc nước ta đều có thể sử dụng hiệu quả . Tuy nhiên, do có sự bức xạ mặt trời nhiều hơn mùa đông nên mùa hè sử dụng thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời đạt hiệu quả cao hơn.
Còn ở miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào, năng lượng mặt trời rất tốt và phân bố tương đối điều hòa trong suốt cả năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện dùng cho sinh hoạt. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2000 đến 2600 giờ. Đây là khu vực ứng dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả.
Nguồn tin: Bộ TNMT
Nguồn tin: Bộ TNMT