Sản xuất điện từ chất thải: Cần được đầu tư đúng mức

  Cuộc sống càng hiện đại, lượng chất thải gây ô nhiễm càng nhiều, công nghệ xử lý chất thải được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, việc xử lý chất thải kết hợp phát điện đang được áp dụng khá hiệu quả ở nhiều nơi.   Sản xuất điện từ chất thải chăn nuôi   Với quy mô khoảng 120.000 con heo xuất chuồng/năm, Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt (Hà Nội) đang triển khai dự án tổ hợp chăn nuôi gắn với hệ thống chất thải bằng công nghệ biogas để sản xuất điện, nhiệt năng và phân vi sinh. Lượng biogas tạo ra có thể sản xuất được 32 triệu kWh điện/năm, đủ cung cấp cho toàn bộ hệ thống bơm, thông gió, làm mát, chiếu sáng, sưởi, khử trùng, vệ sinh, khử mùi, cung cấp thức ăn tự động, sấy và sản xuất thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, nhà máy biogas còn cung cấp hàng nghìn tấn phân vi sinh chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp như trồng rau quả, trồng nấm, nuôi giun quế, nuôi lươn.   Cùng với mục tiêu xây dựng các nhà máy điện dùng nguyên liệu từ chất thải, mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Điện sinh học Biomass công suất 40MW, sản lượng điện 331,5 triệu kWh/năm tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh. Đây là dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo từ rơm, rạ, thân cây ngô, sắn, đỗ, lạc, cây củi. Dự kiến, năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động, góp phần khắc phục thiếu điện và giải quyết ô nhiễm môi trường.
Sản xuất điện từ chất thải: Cần được đầu tư đúng mức


  Ngoài các nhà máy quy mô lớn, các mô hình sử dụng thiết bị khí sinh học tiết kiệm năng lượng cũng đang phát triển khá rầm rộ. Sau 3 năm "Triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng thiết bị khí sinh học tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2008-2010", Ninh Bình đã có 1.400 hộ xây dựng công trình khí sinh học để đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm cho gà, lợn, ấp trứng, sấy nấm. Lượng chất đốt tiết kiệm được tương đương 84 kg gas/hộ/năm; lượng điện tiết kiệm khoảng 50 kWh/tháng. Tính chung cả 1.400 hộ, mỗi năm tiết kiệm trên 3,7 tỷ đồng tiền gas và hơn 1 tỷ đồng tiền điện. Với trên 7 triệu đồng chi phí xây dựng cho công trình thể tích 6 - 7 m3, chỉ sau 2 năm là hoàn vốn đầu tư.

  Tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện

  Tính đến năm 2010, Việt Nam đã có 110 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 69 triệu tấn, sản lượng clinker là 120.000 tấn/ngày, tạo ra nguồn nhiệt khí thải tương đương với 4,1 triệu kWh/ngày. Hiện nay, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã triển khai thành công dự án "Tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện" tại Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 với công suất phát điện 2.950 kW. Ngoài mục tiêu tận dụng khí thải để phát điện, giảm giá thành sản xuất xi măng, bảo vệ môi trường, dự án còn góp phần tiết kiệm dầu từ việc sấy nhiên liệu. Hiện nay, VICEM đang triển khai xây dựng mô hình này tại các nhà máy xi măng: Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bình Phước, Tam Điệp... Theo Hội Vật liệu xây dựng, đây là phương pháp dễ áp dụng, mang tính kinh tế cao. Nếu tất cả các nhà máy sản xuất xi măng của Việt Nam đều áp dụng phương pháp này thì sẽ tạo ra sản lượng điện khoảng 200 MW, giải quyết gần 20% lượng điện tiêu thụ từ lưới điện. Tuy nhiên, do công suất phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nhiệt thừa thu được từ lò nung nên các nhà máy cần tính toán chính xác nhiều nhân tố liên quan như dây chuyền công nghệ, bố trí mặt bằng, kết cấu, cung cấp và phân phối điện, thiết bị cấp nước.

  Chất thải nông nghiệp - nguồn nguyên liệu tiềm năng

  Hiện nay, mỗi năm, lượng trấu thải từ công nghiệp xay xát của cả nước khoảng 7,5 triệu tấn, riêng khu vực ĐBSCL thải ra khoảng 3,7 triệu tấn. Theo các chuyên gia, nếu xây dựng các nhà máy điện đốt trấu có thể tổng thu được 1-1,2 tỷ kWh điện/năm. Giải pháp đầu tiên là xây dựng các trạm khí hóa trấu để chuyển thành khí sinh khối phát điện hoặc cung cấp gas cho các khu dân cư để đun nấu. Một nhà máy xay xát tiêu thụ điện khoảng 50 triệu đồng/tháng, nếu đầu tư cả trạm khí hóa và máy phát điện loại tốt thì thời gian hòa vốn chưa đến 3 năm.

  Giải pháp thứ hai là xây dựng nhà máy điện quy mô tập trung. Vấn đề nan giải nhất là việc thu gom trấu từ các nhà máy xay xát đến địa điểm nhà máy phát điện. Lý do vì trấu rất nhẹ, nên chi phí vận chuyển cho 1 kg trấu rất lớn. Bên cạnh đó, tình trạng giá bán điện thấp, thiếu đất sạch đang khiến các chủ đầu tư băn khoăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, để khuyến khích phát triển các nhà máy điện sinh khối thì các địa phương cần hỗ trợ nhà đầu tư về đất sạch, ưu đãi về giá thuê đất, thuế sử dụng đất. Nhà nước cần quy định giá mua ưu đãi đối với nguồn điện sinh khối, đánh thuế CO2, thuế môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, dùng một phần tiền thu được thành lập quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo.

  Được biết, mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt "Chiến lược quy hoạch tổng thể các nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2015 có xét triển vọng đến 2025" và trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư. Hy vọng, đây sẽ là cơ sở pháp lý hữu hiệu, giúp các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong hiện tại và tương lai.

Nguồn : http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/khoahoccn/2011/4/27887.html


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây