Đề án: "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010" được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3511/2006/QĐ-UBND ngày 12/10/2006, sau 4 năm triển khai đến nay tất cả các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Chi cục trực thuộc các Sở (42 cơ quan) đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 hoặc TCVN ISO 9001:2008 vào các hoạt động quản lý của cơ quan, tăng 10 đơn vị (các chi cục trực thuộc các sở) so với kế hoạch trong đó có 40 đơn vị đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận. Kết quả của việc xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL tại các cơ quan được đánh giá cụ thể như sau:
1. Các cơ quan triển khai tốt Đề án.
Bao gồm 12 cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Công thương, Thông tin truyền thông, Tư pháp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; UBND các huyện: Ninh Giang, Chí Linh; Các chi cục: Kiểm lâm, An toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là các cơ quan triển khai đảm bảo tiến độ đã thống nhất, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời. Lãnh đạo đơn vị thực sự quan tâm, cam kết cung cấp đầy đủ nguồn lực cho việc xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng HTQLCL trong thực hiện công vụ. Lãnh đạo và Ban chỉ đạo ISO của đơn vị đã chỉ đạo xây dựng HTQLCL bao trùm gần hết hoặc toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan. Từng bộ phận, cá nhân hiểu rõ yêu cầu, trách nhiệm trong việc áp dụng, duy trì hệ thống (Hàng năm đều xây dựng và ban hành mục tiêu chất lượng, kế hoạch thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng, xây dựng kế hoạch và tiến hành đánh giá nội bộ, thiết lập và lưu giữ hồ sơ theo quy định...). Trong quá trình thực hiện, thường xuyên cập nhật, bổ sung và kiểm soát tài liệu có nguồn gốc bên ngoài, chỉnh sửa các quy trình tác nghiệp cho phù hợp với các văn bản hướng dẫn của cấp trên và thực tế hoạt động cũng như nhu cầu quản lý nhà nước của đơn vị, thực hiện đánh giá giám sát theo đúng quy định (12 tháng/lần). Một số cơ quan kết hợp tốt việc áp dụng HTQLCL với đơn giản hoá các thủ tục hành chính theo kết quả của Đề án 30 (Văn phòng UBND tỉnh; các sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng...). Việc áp dụng HTQLCL tại các cơ quan này thực sự mang lại hiệu quả trong giải quyết công việc hành chính cho các tổ chức, công dân và công tác quản lý thuộc lĩnh vực được phân công.
2. Các cơ quan triển khai Đề án tương đối tốt.
Bao gồm 27 cơ quan: Các sở: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Lao động thương binh và xã hội, Văn hoá thể thao và du lịch, Nội vụ; Cục Thống kê; Ban quản lý các khu công nghiệp; Thanh tra nhà nước tỉnh; Ban Thi đua khen thưởng; Ban Tôn Giáo; UBND các huyện: Kim Thành, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương; Các chi cục: Hợp tác xã, Bảo vệ thực vật, Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Thuỷ lợi, Thú y, Dân số và kế hoạch hoá gia đình, Phòng chống tệ nạn xã hội.
Khi xây dựng và áp dụng HTQLCL, các cơ quan này đã thực hiện tương đối tốt yêu cầu của hệ thống, lựa chọn những lĩnh vực, công việc cần kiểm soát chặt chẽ để đưa vào hệ thống. Thường xuyên cập nhật các tài liệu có nguồn gốc bên ngoài liên quan đến lĩnh vực quản lý. Một số đơn vị đã kết hợp tốt việc áp dụng HTQLCL với đơn giản hoá thủ tục hành chính: UBND các huyện: Gia Lộc, Kim Thành, Thanh Miện, thành phố Hải Dương; các sở: Giáo dục và đào tạo, Văn hoá thể thao và du lịch...
Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần khắc phục, rút kinh nghiệm sau:
- Việc kiểm soát tài liệu chưa chặt chẽ, chưa cập nhật vào danh mục theo quy định tại Quy trình kiểm soát tài liệu.
- Một số hồ sơ chất lượng chưa thiết lập kịp thời theo quy định tại Quy trình kiểm soát hồ sơ và các quy trình tác nghiệp: Biên bản họp xem xét lãnh đạo, kết quả đánh giá nội bộ, chưa ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ nhận, trả kết quả và các biểu mẫu đính kèm các quy trình tác nghiêp... tại một số cơ quan: sở Tài chính, sở Kế hoạch và đầu tư, sở Y tế...
- Một số yêu cầu của hệ thống là hàng năm phải xây dựng và ban hành mục tiêu chất lượng, xây dựng kế hoạch và đánh giá chất lượng nội bộ, việc thiết lập và lưu giữ hồ sơ... chưa được thực hiện đầy đủ như ở UBND huyện Kinh Môn, UBND huyện Bình Giang và các chi cục.
- Một số đơn vị triển khai chậm so với kế hoạch: Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND thành phố Hải Dương, sở Giáo dục và đào tạo, sở Lao động thương binh và xã hội, sở Văn hoá thể thao và du lịch, UBND các huyện: Kinh Môn, Bình Giang, Cẩm Giàng.
Nguyên nhân do lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng, áp dụng HTQLCL; Lãnh đạo và nhân viên chưa hiểu hết yêu cầu của hệ thống; Các văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi, thiếu đồng bộ... (cụ thể được trình bày tại mục 4.2).
3. Các cơ quan triển khai chậm, chưa hiệu quả.
Bao gồm 3 cơ quan: UBND huyện Nam Sách, UBND huyện Thanh Hà và Chi cục Quản lý thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu của việc triển khai áp dụng HTQLCL chậm, không hiệu quả là do lãnh đạo của các đơn vị này không quyết tâm áp dụng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng miễn cưỡng, lấy lệ; không cung cấp đủ nguồn lực như cam kết.