Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, mức thu nhập của người dân tăng lên, đời sống được cải thiện làm người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là việc sử dụng các sản phẩm sữa nói chung và sữa tươi nói riêng.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hiện nay châu Á đang dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng tiêu thụ sữa. Trong đó, mức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bình quân của người Việt Nam hiện nay là 14 lit/người/năm, còn thấp hơn so với Thái Lan (23 lit/người/năm) và Trung Quốc (25 lit/người/năm).
Các sản phẩm chính từ sữa có sữa nước, sữa đặc, Yoghurt, sữa bột… trong đó, riêng sữa nước đã có hàng trăm loại nhãn mác của các công ty khác nhau. Các sản phẩm sữa nước lại bao gồm bốn loại chính: sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa chua nước. Tuy nhiên, việc quảng cáo và ghi nhãn mác các loại sữa nước trên thị trường hiện nay còn chưa rõ ràng, gây khó hiểu và tâm lý e ngại, thậm chí ức chế cho người tiêu dùng.
Vì thế, ngày 9/7/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm: “Thực trạng chất lượng sữa tươi Việt Nam” để bàn về vấn đề này và đề ra giải pháp giải quyết phù hợp cụ thể.
Tham dự Tọa đàm “Thực trạng chất lượng sữa tươi” có các ban ngành thuộc Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương, Viện dinh dưỡng Quốc gia, đại diện các công ty sữa uy tín trên cả nước như Vinamilk, Hanoimilk, Ba Vì… cùng đông đảo phóng viên báo chí (truyền hình, báo viết, báo điện tử, đài phát thanh) trên cả nước.
Mục đích của Tọa đàm nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người tiêu dùng và các cơ quan báo chí về thực trạng tình hình chất lượng thực tế của sản phẩm “sữa tươi” và thông tin quảng cáo trên bao bì sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi tại Việt Nam, để có giải pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, “Thực trạng chất lượng sữa tươi” tại Việt Nam hiện nay thực sự là vấn đề cần được phân tích để có được những thông tin chính xác cho người tiêu dùng, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước chứng minh được giá trị sản phẩm của mình trước người tiêu dùng cũng như với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành công ty cổ phần sữa Việt Nam phát biểu: “Trong năm 2009, đàn bò cả nước cung cấp khoảng 278,19 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu, trong số đó, Vinamilk thu mua 126,5 ngàn tấn, chiếm tỉ lệ hơn 45%, chưa kể đến nguồn nguyên liệu sữa bò tươi do chính các trang trại của Vinamilk cung cấp”.
“Lượng sữa tươi thu mua vào được Vinamilk sử dụng chủ yếu để sản xuất sữa tươi các loại, chiếm 80%. Chúng tôi luôn muốn chuyển tải đến người tiêu dùng những thông tin chính xác về nguồn gốc xuất xứ của sữa tươi Vinamilk và cam kết mang đến cho người tiêu dùng nguồn dinh dưỡng chất lượng nhất”.
Trong cuộc tọa đàm, đã diễn ra sự thảo luận sôi nổi giữa người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh và các doanh nghiệp sản xuất sữa về thực trạng và tình hình quản lý chất lượng sữa tươi trên thị trường hiện nay.
Với những thông tin được Vinamilk và các cơ quan chuyên môn phân tích đánh giá, cùng với khuyến cáo cụ thể, hy vọng người tiêu dùng trong nước sẽ có sự lựa chọn sáng suốt, tránh ngộ nhận và tự nâng cao được nhận thức về các sản phẩm cũng như chất lượng của sữa tươi, chọn đúng sản phẩm sữa phù hợp với nhu cầu, cũng như bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi chân chính.
Nguồn: vnn.vn