Đây là một trong những nội dung theo quyết định số 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Xây dựng vận dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thuộc Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Theo quyết định, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 80% tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đạt tỷ lệ 45% tiêu chuẩn Việt Nam của hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; hướng 100% các sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, kỹ thuật quốc gia được hướng dẫn xây dựng, áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở. Đồng thời quy hoạch và xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định, giám định đạt chuẩn mực quốc tế và được thừa nhận trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đáp ứng nhu cầu đánh giá các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và sản phẩm hàng hóa chủ lực. Thực hiện các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) về kết quả đánh giá sự phù hợp đã được ký kết. Triển khai ký kết MRAs với các nước, vùng lãnh thổ, ưu tiên trong lĩnh vực sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao như sản phẩm nông, lâm, thủy sản; khoáng sản, rau quả tươi, sản phẩm công nghiệp chế biến, đẩy mạnh thuận lợi hóa thương mại. Hướng tới đào tạo được đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt cho hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá phù hợp trong nước và tham gia hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp trong khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, sẽ có 2.000 tiêu chuẩn Việt Nam được xây dựng mới cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 90% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đạt tỷ lệ 60% tiêu chuẩn Việt Nam của hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 trong quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Cũng trong giai đoạn này, phấn đấu sẽ có 5.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tiếp tục thực hiện các MRAs về kết quả đánh giá sự phù hợp đã được ký kết. Triển khai ký kết mới MRAs với các nước, vùng lãnh thổ; ưu tiên đối với sản phẩm hàng hóa xuất, nhập khẩu mà nước ta chưa có điều kiện đánh giá sự phù hợp. Đưa nội dung chương trình đào tạo về tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp vào chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng, dạy nghề và quản lý nghiệp vụ về khoa học và công nghệ.
( theo truyenthongkhoahoc.vn)