UBND huyện Thanh Hà đã ban hành quy định để kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt dư lượng thuốc BVTV và nhiều chỉ tiêu chất lượng khác đối với quả vải thiều Thanh Hà mang chỉ dẫn địa lý).
Nhằm bảo đảm quy định về tính chất và chất lượng đặc thù của quả vải thiều Thanh Hà – một sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của tỉnh Hải Dương và phục vụ cho công tác xuất khẩu, việc kiểm soát sản phẩm được tiến hành ở 4 khâu chính,bao gồm: Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái; Chất lượng quả vải thiều Thanh Hà; Các chỉ tiêu thành phần lý hóa và Các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó khâu kiểm soát Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chiếm vai trò đặc biệt quan trọng.
Ở khâu kiểm soát quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, tổ kiểm soát sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng cây vải với các tiêu chí: Tình hình sinh trưởng, sâu bệnh, sức khỏe của cây, khả năng ra hoa, đậu quả, khả năng ra lộc và khống chế lộc đông. Còn đối với quy trình kỹ thuật sản xuất sẽ được tiến hành kiểm soát ở tất cả các khâu theo quy định, nhưng tập trung vào việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Số lượng, chủng loại phân bón và nguyên tắc bảo đảm 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đúng thuốc, đúng cách, đúng lúc và đúng liều lượng được kiểm soát chặt chẽ nhất. Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực trong danh mục cấm và phải ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 10 ngày trước ngày thu hoạch.
Theo UBND huyện Thanh Hà, việc thu hái, sơ chế quả vải cũng sẽ được kiểm tra, như thời điểm thu hái, phương pháp thu hái và cách thức sơ chế, bảo quản theo quy trình đã nêu. Quả vải thiều Thanh Hà đạt tiêu chuẩn phải không bị dập nát, không bị mất hoặc giảm các hàm lượng có trong quả vải. Mọi sai lệch trong quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản phải được phát hiện và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Ông Vũ Đình Bát - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết, Hiệp hội hiện có gần 400 thành viên. Các thành viên của Hiệp hội đều tuân thủ quy trình canh tác, quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà.
“Quy trình này đòi hỏi các hội viên phải thực hiện nghiêm ngặt và được các thành viên trong Hiệp hội giám sát. Ở mỗi xã đều có một chi hội, các thành viên của chi hội thực hiện việc kiểm soát chéo nhau, giám sát quá trình canh tác, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Trước khi các hộ thu hoạch vải, Hiệp hội sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng vải ngay tại vườn và phân loại riêng lượng vải không đảm bảo chất lượng, chỉ cấp tem nhãn cho sản lượng vải đạt tiêu chuẩn của chỉ dẫn địa lý”, ông Vũ Đình Bát nói. Theo ông Bát, đây là bước quan trọng để quản lý và kiểm soát chất lượng của vải thiều khi đưa ra thị trường.
Theo vietq.vn