Xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc có 9 thôn thì có 4 thôn Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy với gần 500 hộ sản xuất giầy da truyền thống thu hút hơn 1.000 lao động của địa phương, năm 2004 và 2005 UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề cho 4 làng nghề. Bình quân, mỗi ngày làng nghề sản xuất được khoảng 6.000 đôi giầy, dép, doanh thu trung bình đạt khoảng 18 tỷ đồng/năm. Với đội ngũ tay nghề cao, có kinh nghiệm làm giầy từ đời này qua đời khác, những đôi giầy ở đây đã thu hút được nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh... một phần sản phẩm còn được xuất sang Lào, Cam-pu-chia.
Làng nghề giầy da truyền thống Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc có từ cách đây hơn 500 năm. Vào đầu thời Mạc, tiến sĩ trẻ Nguyễn Thời Trung (1521-1592) là người Tam Lâm được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc, ông mang theo ba người thợ giỏi của làng là Phạm Quý Công (tự Đức Chính), Nguyễn Quý Công (tự Sĩ Bân), Phạm Quý Công (tự Thuần Chinh) tìm hiểu, học hỏi nâng cao kỹ thuật thuộc da và sản xuất các sản phẩm bằng da đem về nước truyền dạy cho dân. Sau nhiều ngày tìm hiểu, học hỏi thấy nhà họ Lũ có nghề thuộc da, làm giày dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu (Trung Quốc), ba vị liền xin vào học nghề. Qua nhiều lần làm thử, thấy sản phẩm của mình cũng không kém mấy so với nhà họ Lũ. Khi về nước các vị đã đem những sản phẩm giày dép, hài hia dâng lên nhà vua và được vua hạ chiếu chỉ ban khen và hạ chỉ cho truyền dạy lại nghề sản xuất giầy da cho dân.
Làng nghề Giầy da ở xã Hoàng Diệu trước kia tập trung chủ yếu ở Tam Lâm (là tên ba làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm (người xưa gọi là ba làng Trắm) sau đó lan rộng sang Nghĩa Hy. Khi tạ thế nhân dân 4 thôn đã lập đến thờ và Hoàng Diệu là quê hương của ông tổ nghề giầy da Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, trong khi nhiều làng nghề khác bị mai một thì nghề đóng giầy dép da truyền thống ở xã Hoàng Diệu vẫn có sức sống lâu bền. Từ đó, đời này qua đời khác tiếp tục làm nghề, những người thợ tích lũy được kinh nghiệm kết hợp với sự khéo tay, nơi đây xuất hiện nhiều nghệ nhân sáng tác ra nhiều mẫu mã giày đẹp phù hợp với tâm lý và thị hiếu tiêu dùng. Theo người dân trong làng nghề thuộc da, đóng giầy dép là một nghề vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, có óc thẩm mỹ và thao tác chính xác, tinh vi, nhạy cảm với những mẫu mới, kỹ thuật mới.
Trong những năm gần đây, các làng nghề giày da ở Hoàng Diệu phát triển, giúp cho hàng chục hộ dân trong làng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt ở Hoàng Diệu đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, các hộ gia đình đã chú trọng nghiên cứu công nghệ, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới để tạo những nét đặc trưng riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhiều thợ giỏi đã rèn dũa tay nghề cho con cháu để làm ra những sản phẩm ưng ý với mọi đối tượng, lứa tuổi khách hàng. Giầy da Hoàng Diệu là sản phẩm của làng nghề truyền thống. Người dân đã tự lấy nguyên liệu, tự sản xuất giầy để tiêu thụ. Sản phẩm giầy da Hoàng Diệu hiện tại có giá thành phù hợp và được thị trường tiêu dùng đón nhận với giá từ 100 đến 500 nghìn đồng/đôi.
Tuy nhiên bên cạnh đó các làng nghề giầy da của Hoàng Diệucũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đó là hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tương xứng với tiềm năng của một làng nghề truyền thống, đại đa số các hộ làm nghề làm gia công cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh và sản phẩm khi bán ra thị trường mang nhãn hiệu của của các cơ sở kinh doanh đó mà không phải là nhãn hiệu của làng nghề.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ làm nghề, phát triển bền vững và tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường tương xứng với bề dày lịch sử của làng nghề thì việc xây dựngnhãn hiệu và phát triển thương hiệu cho làng nghề là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.Năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, phối hợp với UBND huyện Gia Lộc, UBND xã Hoàng Diệu và Hiệp hội giầy da Hải Dương xây dựng và phát triển dựng thương hiệu cho sản phẩm giầy da Hoàng Diệu với các nội dung sau: Xây dựng, thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565”; Xây dựng và hoàn thiện các văn bản, tài liệu phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể “ Giầy da Hoàng Diệu1565”; Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển giá trị nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể; tuyên truyền quảng bá sản phẩm giầy da mang nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565”.
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhãn hiệu tập thể, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo thống nhất hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu”. Trong đó dự thảo gồm quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Giầy da Hoàng Diệu 1565” gồm 5 chương 16 điều trong đó quy định rõ phạm vi điều chỉnh và áp dụng cũng như cách đăng ký và quản lý nhãn hiệu tập thể, điều kiện được sử dụng, quyền và nghĩa vụ của hội viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể, hành vi vi phạm, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể cũng như những điều khoản thi hành của quy chế. Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565” gồm 5 chương 16 điều trong đó nêu rõ điều kiện, thủ tục cấp quyền sử dụng, căn cứ thủ tục hủy bỏ, đình chỉ và thu hồi quyền sử dụng, trách nhiệm tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành và quy trình sản xuất giầy mang nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565” trong đó có kỹ thuật sản xuất giầy mang nhãn hiệu tập thể “Giầy da Hoàng Diệu 1565”, tổ chức thực hiện.
Xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề giầy da Hoàng Diệu là cần thiết, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa để bảo vệ sản phẩm, quyền lợi cho làng nghề. Từ đó góp phần gìn giữ, phát triển ổn định sản xuất và phát triển bền vững nghề truyền thống đã có hơn 500 năm tuổi.
Hải Ninh