Quan tâm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

    Xây dựng thương hiệu là yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp để sản phẩm được biết đến trên thị trường, nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp của Hải Dương quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.
Quan tâm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp
Nâng tầm phát triển
Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá, một dịch vụ nào đó được sản xuất hay cung cấp bởi một cá nhân, tổ chức. Thương hiệu tạo ra hình thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, anh Phạm Đăng Hồng, Phó Trưởng phòng Thị trường, Công ty TNHH Long Hải cho biết: “Thương hiệu thạch rau câu Long Hải được xác định là sự cam kết của công ty về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng. Đây là tiêu chí mang tính chất quyết định nhằm bảo đảm uy tín của thương hiệu. Tiêu chí này được công ty tập trung thực hiện thông qua các biện pháp hiện đại hoá công nghệ phục vụ sản xuất, chủ động nghiên cứu sản phẩm mới; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000: 2005; chuyên môn hoá sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động để bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn, có ý thức cao về tầm quan trọng, uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh”. Từ những cố gắng của mình, các năm 2013 - 2014 Công ty TNHH Long Hải đã vinh dự nhận được giải bạc và giải vàng chất lượng quốc gia.
Không chỉ những doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, kinh doanh cũng ngày càng quan tâm đến việc phát triển thương hiệu. Ông Phan Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Bánh ngọt Hữu Bình cho biết: Từ một hộ sản xuất nhỏ, ngay khi phát triển thành công ty TNHH, doanh nghiệp đã xác định xây dựng và phát triển doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với phát triển thương hiệu. Công ty chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu bằng cách đổi mới trang thiết bị, cung cách phục vụ, đầu tư nhà xưởng, bổ sung thêm dây chuyền sản xuất… để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vượt trội, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ của công ty năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh bình chọn là sản phẩm được ưa thích nhất năm 2000, đạt huy chương vàng hội chợ thương mại Hà Nội năm 2002, cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2004 và 2014 (do Ban tổ chức Hội chợ thực phẩm công nghệ chất lượng hợp chuẩn - Vietnam Bestfood trao tặng), danh hiệu “Thực phẩm Việt  vì sức khỏe người Việt” do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex) trao tặng…
Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
“Để xây dựng, giữ gìn uy tín và hình ảnh cũng như phát triển thương hiệu thì doanh nghiệp cần quan tâm đến việc bảo hộ thương hiệu của mình ở trong và ngoài nước. Việc làm này góp phần phân biệt hàng hoá hay dịch vụ của doanh nghiệp với các sản phẩm khác cùng loại và được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm quyền lợi của mình”. Đây là nhận định của anh Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương.
Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp ở tỉnh ta đã phải nhận nhiều bài học do không đăng ký quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) ngay từ đầu. Anh Nguyễn Việt Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hoà Tiến, Chủ tịch nhãn hàng thời trang Yody cho biết: “Sau các sản phẩm thời trang có chỗ đứng trên thị trường tôi mới đăng ký nhãn hiệu thời trang Hi5. Từ Hi5 có cả chữ và số nên theo quy định thì không đăng ký được nên tôi đành bỏ dở thương hiệu đã xây dựng 4 năm và đăng ký thương hiệu mới là Yody – Young & Dynamic”. Qua đó có thể thấy không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mà doanh nghiệp cần quan tâm đến QSHCN để khẳng định tên tuổi của sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường và được bảo vệ khi có sự xâm phạm. Anh Phạm Đăng Hồng, Phó Trưởng phòng Thị trường, Công ty TNHH Long Hải cho biết, công ty luôn có ý thức bảo vệ QSHCN cũng như bảo vệ thương hiệu của mình. Cuối tháng 3 năm nay, sau khi có đơn của công ty về việc vi phạm QSHCN của Công ty CP Chế biến thực phẩm Thiên Long Hải (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) với sản phẩm cốc nhựa đựng sản phẩm thạch rau câu và phần dấu hiệu “Thiên Long Hải và hình”, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã giám định và kết luận đây là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Long Hải và hình” đã được bảo hộ. Theo đó, Công ty Long Hải đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo pháp luật.
Xây dựng thương hiệu chính là vũ khí giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển. Khi có sự quan tâm, đầu tư và có chiến lược xây dựng thương hiệu đúng đắn, doanh nghiệp sẽ phát triển ổn định, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
 
Theo số liệu thống kê trên website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, năm 2014 tỉnh ta có 271 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và văn bằng bảo hộ, đứng thứ 10 trong cả nước. Có 214 văn bằng được cấp, đứng thứ 7 trong cả nước, trong 10 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng chỉ đứng sau TP Hà Nội cả về số lượng và văn bằng. Từ năm 2004 - 2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, hướng dẫn được trên 700 lượt doanh nghiệp, cá nhân tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ QSHCN, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ có 291 nhãn hiệu và 45 kiểu dáng công nghiệp của 300 tổ chức, cá nhân trong tỉnh.
 
Theo Báo Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây